“Thế ông giải thích điềm lạ đó ra sao?” giọng nói kia hỏi lại.
“Dĩ nhiên là điềm lành cho ông ta,” Lampon trả lời. “Tôi còn có thể làm
được gì khi mà Pericles đứng nhìn ngay ở đó, và lại có cả con cáo già
Anaxagoras đứng ngay bên?”
“Các thần luôn trừng phạt những kẻ không có lòng tin,” giọng nói kia
đáp, “mà chúng ta lại là tư tế lo việc phụng sự các thần. Sao chúng ta không
đưa những con người tội lỗi đó ra trước công chúng?”
“Đúng thế, nhưng mà,” Lampon nói, “dân chúng tôn sùng Pericles. Họ
sẽ không tin ông ta là kẻ xấu xa. Chúng ta phải hành động cẩn thận, nếu
không sẽ bị gậy ông đập lưng ông.”
“Tôi nghe nói chiều nay ông ta đã ra bến cảng Piraeus xem đua thuyền,”
ông thầy tư tế kia nói, “sau đó, ông ta sẽ đến dự yến tại nhà của tên
Hipponicus giàu sụ và về nhà rất trễ. Nếu như ta phục sẵn ở đó và chọc cho
ông ta nổi giận, thể nào ông ta cũng sẽ thốt ra những lời lẽ báng bổ đối với
chúng ta, mà không biết chúng ta là các tư tế. Có thể ông ta sẽ đe doạ hành
hung ta! Khi đó, ta sẽ khép ông ta vào cái tội bất kính với các tư tế, nghĩa là
bất kính với các thần. Không ai ở Athens, kể cả Pericles, có thể bình yên vô
sự sau khi đã xúc phạm đại diện của các thần.”
“Ý hay đó, thật đáng mặt thầy tư tế của đền thờ Erechtheum,” giọng
Lampon vang lên.
“Chúng ta sẽ cởi bỏ áo choàng thầy tu và xuất hiện như những người đàn
ông bình thường. Pericles phải không được nghi ngờ chúng ta, nếu không,
ông ta sẽ không để mình thốt ra những lời lẽ bất kính với chúng ta, mà thay
vào đó là những lời giả dối như thường lệ. Sau đó, mỗi người chúng ta có
thể làm chứng cho người kia, và thế là ông ta hết đường chối cãi.”