Nếu như tôi và Noãn Noãn đổi vai cho nhau, tôi bàn chuyện công việc,
em đi cùng tôi, đoán chắc em nghe chưa được mười phút là đã gật gù rồi.
Để không chỉ đơn thuần là một thứ đồ trang trí, tôi cũng lôi sổ tay ta vẽ
nhăng vẽ cuội, giả vờ bận bịu; thỉnh thoảng cũng gật đầu nói mấy câu đại
để như ngài nói đúng lắm, nói rất hay, rất có lý, vân vân.
Cuộc phỏng vấn với thầy Lý kết thúc, chúng tôi tới một tòa nhà như
được xây dựng từ những năm 60.
Người gặp lần này là một thím tầm 50 tuổi, “họ An,” Noãn Noãn nói.
“Chẳng nhẽ là Anna Karenina*?” tôi nói. “Cáp Nhĩ Tân thật là quá
Nga.”
* Tên nhân vật chính trong tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nga Lev
Nikolayevich Tolstoy.
“Lương Lương.” Noãn Noãn lạnh tanh nói.
“Dạ,” tôi nói, “phải gọi thím ấy là cô An.”
“Ừ.” Noãn Noãn lại nhoẻn cười, “Hơn nữa Anna Karenina đáng nhẽ
phải họ Ka mới đúng.”
Rời khỏi nhà cô An thì cũng vừa 12 giờ trưa. Noãn Noãn có vẻ hơi
cuống, vì hình như cuộc hẹn tiếp theo sắp muộn rồi.
Gọi một chiếc taxi, tôi vội vàng mở cửa xe, lại bị giật phát nữa.
Xuống xe, ngẩng đầu nhìn, trên tấm biển viết: “Nhà hàng Âu Portman”.
Cũng may tay nắm cửa làm bằng gỗ, không lại bị giật tiếp thì tôi chắc sẽ
giống Châu Tinh Trì, học được thần quyền Điện giác mất.