“Họa sĩ Phạm Tăng là người đã trình bày và minh họa cho Bách Khoa từ
cuối năm thứ nhất (1957) đến liên tiếp hai ba năm sau, để lại trên các số
báo này nhiều hình vẽ tuyệt đẹp đã được dùng làm phụ bản một số tác
phẩm văn nghệ xuất bản ở Saigon (...)
“Bao nhiêu năm im lặng hầu như để ‘tu dưỡng cho nghệ thuật được trưởng
thành’, thấy Phạm Tăng đã lên tiếng giãi bày nghệ thuật của mình, Bách
Khoa liền gửi thư sang phỏng vấn anh về sự học tập ở nước ngoài, về tình
trạng hội họa ở Tây phương, về đường lối sáng tạo của riêng anh v.v...
“Có lẽ vì thấy cuối năm 1973, Bách Khoa như ngọn đèn chập chờn sắp tắt,
nên anh xúc động vội cố gắng trả lời bằng một lá thư thật dài, mà chúng tôi
xin đăng tải nguyên văn dưới đây. Cám ơn anh Phạm Tăng đã cặm cụi viết
13 trang thư dài gửi về, chứng tỏ tấm lòng của anh đối với các anh em cũ
và bạn đọc Bách Khoa, đúng như anh nói, vẫn nguyên vẹn như 15 năm
trước”...
Trong bức thư dài trả lời báo Bách Khoa cuối năm 1973, họ Phạm viết:
“Nguyên liệu đầu tiên để xây dựng họa phẩm của tôi là tế-bào. Ai cũng biết
tế-bào là nguyên ủy của sự sống kết tinh từ thuở khai thiên lập địa. Trong
cảnh hỗn mang của trời đất tế-bào sinh sôi nẩy nở kết tụ, thành mọi sinh
vật sống từ côn trùng, cây cỏ, cầm thú cho đến con người. Trời đất hỗn
mang khi xưa có khác chi cái xã hội hiện tại mà chúng ta đang sống? Tro
bụi, điêu tàn, băng hoại, đổ vỡ.
“Gieo tế-bào như gieo mầm sống mới, trong một thế giới mới, với một tổ
chức, một trật tự mới đặng thế vì cho những cái tàn rụi, nát rữa, trong hội
họa, ngoài xã hội và ngay cả chính ta nữa...”
Bằng vào quan niệm trên, họ Phạm cho biết, ông bắt đầu từ cái tế bào nhỏ
bé, và ông có cảm tưởng như đang xây dựng lại chính con người của ông
vậy.