Nói cách khác, vẫn theo họa sĩ Phạm Tăng thì, từ tế-bào đầu tiên là cái tôi
nguyên thủy, ông đi dần tới sự tập hợp của hàng triệu tế bào tuần tự nẩy
sinh, dẫn hình ảnh của cái tôi khác nhau, nối kết lại từ hình dạng bào thai
trở thành con người. Kết cuộc là gì? Là những hình ảnh được cấu tạo trong
tranh của họ Phạm, có thể ví như những hình ảnh của chính tác giả.
“Toàn thể tranh là cái tôi cuối cùng”.
Ông nhấn mạnh và giải thích thêm rằng, ngẫm cho kỹ thì cứ mỗi giây phút
trôi qua, không biết bao nhiêu là cái tôi không giống nhau, trùng điệp, cái
nọ lan sang cái kia, tựa như một vết mực loang trên mặt giấy. Không ngưng
đọng một hình thể cố định nào. Bởi vậy chúng ta sẽ không thể nào có được
một bức ảnh chụp hình ảnh của tâm tư con người luôn biến động, dù chúng
ta có trong tay một chiếc máy ảnh tinh vi nhất.
Quan điểm này của họa sĩ Phạm Tăng rất gần với quan điểm của Phật giáo
cho rằng, cái tâm vốn động hay, những suy nghĩ của con người như sự
chuyển động không ngừng, cụ thể qua hình ảnh “Tâm viên, Ý mã”. Hoặc,
một tư tưởng, hình ảnh vừa mới nhóm lên thì, một ý tưởng hay hình ảnh
khác, đã nhào tới. Hiện ra. Không giây lát ngưng nghỉ!
Tuy nhiên ở đây, chúng ta thấy có một sự khác biệt, nếu không nói là đối
nghịch lớn, giữa quan điểm của Phật giáo và họa sĩ Phạm Tăng:
Phật giáo quan niệm để cho tâm có được những giây phút bình an thì,
chúng ta phải triệt tiêu những lăng xăng, bất nhất, đổi thay không ngừng
của tâm trí. Đó là lý do ra đời của các môn phái Thiền. Riêng, họa sĩ Phạm
Tăng thì ngược lại. Ông nói:
“Những hình thể mà tôi tạo nên tranh không khuôn bó trong một chu giới
nhất định. Tôi dụng ý để cho những hình thể đó khi ẩn, khi hiện, lúc tỏ, lúc
mờ. Hình nọ lan sang hình kia, tựa hồ như những khối tế bào được tự do co
dãn, nảy nở”.