Tác giả “Hà Nội phố”, theo tôi, là một trong những tác giả hiện thân của
nhân cách thi sĩ, làm nên giá trị tác phẩm.
Khi nhấn mạnh tính từ “còn” như một từ-chìa-khóa mở vào mọi đền đài
trong toàn cảnh không gian Hà Nội, 72 của Phan Vũ, tôi muốn nói tới phần
bên kia, mặt tiêu trầm, khuất lấp. Mặt làm thành linh hồn bài thơ.
Dọc lộ trình trường khúc “Hà Nội phố”, 443 câu của họ Phan, người ta thấy
ắp đầy hình ảnh. Âm thanh. Như tiếng giầy, bước chân. Tiếng chuông nhà
thờ. Tiếng họp chợ sớm, khuya. Tiếng mõ giấu mình đâu đó trong trong
ngõ. Tiếng đàn guitar. Tiếng hát Trương Chi. Hình ảnh những chuyến tầu
đêm vào ga. Tiếng rao hàng. Tiếng cười, khóc. Tiếng tầu điện lanh canh chở
buồn, vui Hà Nội qua 36 phố, tới 5 cửa ô... Hình ảnh cô hàng hoa. Tiếng
đọc truyện Kiều của bà bán quán. Tiếng lá rơi. Tiếng thang gỗ cũ vặn mình.
Tiếng cánh cửa sắt cọt kẹt mở vào ngôi nhà không người ở. Hình ảnh những
người yêu nhau, tìm nhau, hò hẹn/ chia tay. Những thầm thì thương yêu,
như những hạt mầm tốt tươi ươm cho Hà Nội đời kế. Tiếng khóc của trẻ sơ
sinh, như một phần của toàn cảnh Thăng Long ngày, tháng cũ...
Nhưng tất cả chỉ là hồi tưởng. Chúng là những ngọn nến cầu siêu, gọi hồn
Hà Nội. Những ngọn nến làm sáng thêm, lung linh hơn, tan tác.
“Hà Nội phố” của Phan Vũ biến tâm hồn tôi thành chiếc nêm tội nghiệp - -
Chêm giữa mất/ còn. Hay tôi là con tin của hồ nghi, nhiều câu hỏi? Lúc
tiếng hát Thanh Lam (?) qua ca khúc của Phú Quang, vọng về:
“Ta còn em một màu xanh thời gian
Một chiều phai tóc em bay
Chợt nhòa, chợt hiện
Người nghệ sĩ lang thang hoài trên phố