Có thể, từ vô thức, tôi nghĩ, tôi phải tôn trọng mối thương tâm của ông. Mối
thương tâm nghệ thuật chỉ riêng một mình Lê Tài Điển, cùng buổi chiều,
bức tường dài, những căn nhà ken cứng gạch, ngói và, cửa sổ... đồng cảm.
Chia sớt.
Ngày chót, trước khi tôi và T. phải trở lại Cali. Vì công việc, chúng tôi có
một buổi chiều ấm áp bằng hữu. Rưng rưng tình thân. Tôi muốn nhắc tới
chuyện chủ nhân nhà xuất bản An Tiêm, Thanh Tuệ cho tôi biết, ông đã mất
bao nhiêu giờ, thu xếp bao công việc, đổi bao nhiêu chuyến metro, để đến
kịp buổi hẹn. Đó cũng là lần Nguyễn Thị Trọng Tuyến được Trọng, người
bạn đời tuyệt vời, chở bằng xe riêng, từ thành phố Rouen về Paris, với
chúng tôi mà, Lê Tài Điển và Kiệt Tấn đóng vai “điều hợp chương trình.”
Dù nhận lời với các bạn, sẽ sớm trở lại, lần gặp đó, trong tôi, lại nhen nhúm
ý nghĩ nên xin họ Lê, một bức tranh đen trắng, làm phụ bản cho cuốn sách
sẽ in của mình.
Cuối cùng, tôi im lặng. (Như đã từng.)
Khác chăng, lần này, quan sát bạn, những lúc im sững, cúi xuống ly rượu
hiếm khi cạn kiệt, lúc hoàng hôn vung chiếc cọ bạo, ngược của nó lên
khuôn mặt ông từng mảng đậm, nhạt... (Mà, mầu chủ đạo, bao giờ cũng là
mầu khói, tối!) tôi bỗng thấy thôi! Có thực sự cần thiết không?
Đúng vậy. Trước giờ chia tay, tôi thấy, không cần thiết gì nữa. Vì cuối cùng,
tôi chợt nhận ra:
“Định mệnh Lê tài Điển là định mệnh của những bức tranh không được vẽ
ra.”
Chúng đã, đang và, sẽ còn theo những buổi chiều trôi vào vắng xa. U uẩn.
Ẩn, nhẫn đâu đấy, nơi cuối đường, đôi mắt ông.