Buổi sáng Atlanta, cùng với gió mang theo mùi lá mục, hơi mốc, ẩm của
những con suối bách bộ dưới rừng dương bên kia lộ... từ nơi vườn sau ngôi
nhà Xuyên Trà ở Lake City, tôi biết tôi còn nhiều điều để kể... Thí dụ, cuộc
đối thoại cuối cùng giữa tôi và Sĩ Phú, ít tuần, trước khi “Tiếng hát đằm
thắm, ở được với mai sau”, “đi xa”. Đó là những dặn dò bất ngờ:
“Bác sĩ bảo, tao chỉ còn ít tuần nữa. Có người đang gom một số bản nhạc
tao đã hát trong cuộc đời ca hát của tao. Mày viết cho tao ít dòng. Nhưng
tao không cần mày phải ca ngợi tao. Mày nghĩ sao, thấy thế nào thì cứ viết
ra như thế. Đừng bịa đặt như thằng T...”
Buông máy xuống, tôi nói với T., về sự tự trọng của Sĩ Phú, giống như tiếng
hát của ông, khó tìm thấy nơi người khác.
Tôi cũng muốn kể cho Xuyên Trà nghe, bản chất kín đáo nhưng, chân tình
của tác giả “Kinh khổ”, khi ông rủ tôi ra nhà hàng Denny’s trên đường
Beach, chỉ để... “cưa đôi” bản quyền thu băng đầu tiên, ông nhận được từ
một trung tâm băng nhạc.
Tôi muốn kể, nhiều thêm, bằng hữu khác. Những người đã “đi xa”, trên,
dưới mười năm qua.
Buổi sáng ở Lake City, khi ngôi thánh đường của Hội Thánh Tin Lành Việt
Nam Atlanta, (hàng xóm của bạn tôi), đóng cửa. Nguyên khu nhà đầu dốc,
tuồng cũng êm ả trôi theo tiếng động cơ rù rì của đôi ba chiếc xe, đổ dốc về
phi trường...
Cuối cùng, tôi lại thấy, hãy quên đi mọi chuyện. Bởi, cùng với những trái
thông rớt khô nơi vườn sau ngôi nhà Xuyên Trà, cùng với những bước đi
khoan thai của con suối cạn nước, tôi cảm nhận được sự hiện diện, đâu đây,
của nhiều người đã khuất. Thỉnh thoảng, tôi vẫn thấy, dường trên từng tấc
thịt da, ẩn sâu nơi mỗi rung động, thấp thoáng trong những ngôn ngữ tôi sử