“Đúng 2 giờ 49 chiều ngày tưởng niệm những phát súng khởi nghĩa đầu
tiên tại Hoa Kỳ 238 năm trước, trong khoảnh khắc, hai quả bom khủng bố
nổ tung trên đường Boylston gần quảng trường Copley Square ngay trước
điểm đích cuối cùng của cuộc đua Boston Marathon. Cả Boston xôn xao
nhưng không rối loạn. Cả nước Mỹ xôn xao nhưng không sợ hãi. Tin về số
tử vong và thương vong được lập đi lập lại trên các hệ thống truyền thông.
Hình ảnh lúc bom khủng bố nổ ở đoạn cuối đường đua cũng được chiếu lại
nhiều lần trên các đài truyền hình. Các vị lãnh đạo chính quyền địa phương
trấn an dân chúng bằng những lời lẽ rất chân tình và can đảm. Boston, nơi
người dân phất cờ khởi nghĩa chống thực dân Anh đòi độc lập cũng vào
ngày này, 238 năm trước (1775 – 2013), không chịu khuất phục bất cứ
quyền lực hay bạo tàn khủng bố nào, sẽ phục sinh sau biến nạn khủng bố
này. Đấy là ý chung của người dân và chính quyền. Tin sau cùng xác định,
một em bé trai 8 tuổi, hai thiếu nữ chưa hết tuổi 20, một cô người Mỹ cư
dân vùng Boston, và một cô sinh viên từ Trung Hoa đã tử thương. Rất nhiều
người bị thương tích nặng đến nỗi phải cưa chân. Những người khủng bố
nghĩ gì? Họ nhân danh ai để làm điều dã man vậy? Biết đâu họ đã cầu
nguyện với “Thần Linh” của họ trước khi giết người. Thượng Đế nào?
Thiên Chúa nào? Thần Linh nào mà ác độc thế????...”
Nhắc lại chuyện này, tôi không hề có ý lo sợ một tai họa bất ngờ nào khác,
có thể xẩy ra cho Boston, như một cú “đúp”. Tôi chỉ muốn nói, trong tình
cảnh đó, chuyến bay lại tới sớm hơn lịch trình cả tiếng, khó hy vọng thấy
được bạn. Vậy mà vừa ra khỏi phi cơ, đi chưa được bao nhiêu bước, tôi đã
thấy Trần Thu Miên tỉnh táo, mạnh giỏi, trong áo ấm, nở nụ cười cho tôi,
bên cạnh vài người Mỹ, cũng thức sớm, đón thân nhân giữa hành lang.
Gặp lại Trần Thu Miên, với tôi, như gặp lại Boston! Như gặp lại Uyên Sa,
Trần Đông Bắc, Nguyễn Trọng Khôi, Nhất Chi Vũ, Đỗ Vy Hạ tức Nguyên
Long, Nguyễn Bá Chung, chị Nguyễn Ngọc Chấn... vậy.