Hai bà cháu sống hẩm hiu trong ngôi nhà nhỏ cuối chợ. Con Kỷ lớn lên
âm thầm như bóng. Vết chàm thâm đen trên khuôn mặt thô xấu như nét
khắc ghi lời nguyền rủa rớt lại tự một tiền kiếp hồ đồ. Con bé thường ngồi
im hằng giờ trên chiếc xuồng cột vào gốc cây ô môi trước nhà tìm bóng
mình trong làn nước. Dòng kinh nước đục lả tả bầy lục bình trôi lung lay
bóng đời u uẩn.
Ngọc Kỷ đi học trễ. Gần mười lăm tuổi con Kỷ mới học xong tiểu học.
Ngày bãi trường Nội nấu chanh chùm kết gội đầu cháu cho thơm. Nằm
nhắm mắt trên chiếc chõng tre đầu hiên nhà, con Kỷ lắng nghe từng giọt
nước thơm bò nhột nhạt lên đôi vú vừa nhú căng như hai trái đào non. Bà
Nội xuýt xoa khen cháu có nước da trắng không ăn phèn làm con Kỷ lần
đầu tiên trong đời có được cảm giác lâng lâng e thẹn.
Bà Nội kéo sửa phần căng căng ở ngực lúc con Kỷ mặc thử chiếc áo bà
ba lụa trắng Tân Châu bà vừa may cho cháu.
- Con nhỏ này lớn lẹ như thổi. Vú gần bằng nắp vung rồi. Cái áo tới Nội
sẽ chít chỗ này rộng hơn chút nữa.
Con Kỷ mắc cỡ quay mặt bước một mạch vô nhà sau. Tiếng vải quần
lãnh đen Tân Châu kêu sột soạt theo bước chân. Bà Nội lắc đầu cười, nói
với theo.
- Rằm này Nội cho con lấy tiền bán bông sen ra chợ mua một hai cái xú
chiên mà nịt lại. Con gái lớn rồi, đừng để xõng xõng coi vô duyên lắm.
Con Kỷ trở ra với cái áo bà ba đen rộng cũ trên người.
- Con hổng ham mấy thứ đó đâu. Nội cứ may áo thiệt rộng cho con là
được rồi.
Thợ may ăn giẻ nên con Kỷ lúc nào cũng có áo quần tươm tất. Ngôi nhà
đất cuối chợ cũng là tiệm may nhỏ của bà Hai Sen. Lính ngoài chi khu vào
sửa quần áo lính hà rầm nên hai bà cháu sống đắp đổi qua ngày. Con Kỷ cúi
đầu lấy tóc che vết chàm trên mặt, ngồi lặng lẽ đơm khuy nút giúp Nội.
Những người lính trẻ tới tiệm may, họ nhìn vội vết chàm xấu xí trên gò má
đứa con gái rồi quay mắt dửng dưng trò chuyện với bà Hai.
Ông Hai chết trẻ, từ trào Bình Xuyên Hòa Hảo. Bà Hai ở vậy nuôi hết
con rồi tới cháu từ mấy chục năm nay. Miếng ruộng hương hỏa bên kia bờ
kinh Tháp Mười, không sạ lúa, bông sen bông súng mọc đầy. Xuồng chống