- Mẹ tôi có thời học ở Huế. Gia đình tôi ở Hội An, cách đây khoảng ba
mươi cây số.
Cô gái đỏ mặt xấu hổ.
- Vậy mà nãy giờ tôi bắt anh phải nghe mớ Anh Ngữ què của mình.
- Cô quá khiêm nhường. Hai tháng vừa qua ở Bắc Kinh tôi chưa hề gặp
người Hoa bản xứ nào nói tiếng Anh giỏi như cô. Xin cô cũng rộng lượng
cho mớ tiếng Việt nghèo nàn của tôi.
Cô gái hướng dẫn người thanh niên ra xe, miệng vẫn phân trần chuyện
không nhận ra chàng sớm hơn. Người thanh niên bỡn cợt.
- Sông Hương nói thật đi mà. Tôi đến từ Bắc Kinh. Chắc cô mãi tìm một
người Mỹ gốc Hoa ăn mặc lịch sự sang trọng nên không thấy anh chàng
Việt Kiều ba lô này chứ gì?
Cô gái chẳng vừa.
- Thấy người rồi thì phải nói là tài tử Hồng Kông mới đúng.
- Cô quá lời. Tôi chỉ mong cuối năm này bảo vệ được luận án, bắt đầu sự
nghiệp để khỏi báo cha mẹ là mừng lắm rồi.
Dọc theo con đường từ phi trường vào thành phố thẳng tắp hàng cây mới
trồng. Trên đường tấp nập người đi, xe đạp xe gắn máy xao xác ngược xuôi.
Hình ảnh khá quen thuộc sau mấy tháng sống ở Bắc Kinh sao lòng người
thanh niên vẫn ngập tràn nỗi bồi hồi xao xuyến. Đi vào lòng quê hương
chưa một lần gặp mặt mà chàng ngỡ như đang từ một mộng mị nào đó trở
về. Phải chăng giọt nước mắt nhớ nhà của Mẹ và hình ảnh quê hương lãng
mạng trau chuốt trang trải trong nhiều truyện viết của Bố đã là vốn liếng
tinh thần giúp chàng có được cảm giác quay về. Phố biển. Chuyến phà qua
sông. Con dốc hẹn hò. Cha mẹ đã lớn lên, yêu nhau trong thành phố này.
Họ đã bỏ đi mà vẫn quay quắt nhớ về sau hơn nửa đời người xa xứ.
- Đường về trường có qua con dốc nào không Sông Hương ?
- Có mà không. Chính phủ đã san bằng dốc Cầu Vồng để làm đường
mới.
Sông Hương quay nhìn người thanh niên, nụ cười nở trên đôi mắt thuyền
nâu.
- Em chợt có cảm tưởng như anh đã từng sống ở thành phố này.
- Đó là điều tôi vẫn hằng ao ước. Bố Mẹ tôi lớn lên ở đây.