- Có gặp anh Sơn ở đâu không?
Chúng tôi biết làm sao mà trả lời! Nhưng chúng tôi đoán
ngay là có bộ đội tên là Sơn đã từng phát triển công tác qua
đây. Không để cho người du kích trẻ tuổi kia phải thất vọng,
chúng tôi trả lời: “Anh Sơn… anh Sơn trước ở đây à?”. Thế là
Nhấn xoắn lấy và trò chuyện về anh Sơn đến hết cả
đêm hôm ấy.
Hôm sau, chúng tôi từ khu du kích bí mật xuống điều
tra quanh đồn Mường Cơi. Cùng đi, có cả Nhấn. Ông già
Sênh chống nạng đưa con một quãng ra đầu núi.
Đi lần này, vào lúc các lũng lại đương tấp nập một mùa
gặt mới, lại đương sửa soạn chống càn và các tổ tăng gia lại rủ
nhau đi phát nương mới, như mỗi năm, theo lệ thường.
Sau này, mỗi khi kể lại chuyện hôm Nhấn đi, Nhấn nói
rằng lúc xuống dốc núi, Nhấn trông thấy Mường Cơi
thấp thoáng dưới bóng sương. Nhấn nhớ đồng ruộng, nhớ
làng mạc ven chân rừng, có ao cá, có đồi chè, có chuồng
lợn. Bấy giờ là một buổi sáng, tiếng chim kỳ cuốn dài theo
gió từ các hốc đá còn mù mịt sương sớm đưa ra. Rồi Nhấn
nhớ lại cả cái đời thảm của mẹ và của mình, Nhấn muốn
khóc.
Giữa khi ấy thì tiếng chim kỳ, tiếng chim kỳ lanh lảnh
như tiếng kèn giục phường săn. Nhấn không khóc được.
Nhưng từ đấy, trong đời chiến đấu của người bộ đội, mỗi
khi nghe trên cánh rừng, đầu rừng nào có tiếng chim kỳ