Giá mà còn…”. Ông Công đã làm binh công xưởng đúc đạn ở
Long Châu với anh Lý, chuyện cả đêm không cạn. Ông Mã
Hợp cũng thế, có khi còn dài dòng hơn. Ông Hợp khoe cái
ngày ở Lũng Nghìu đã uống rượu ăn thề với anh Lý. Lão
không giống ông Thành, ông Công, lão chẳng mong ước cán
bộ cao cấp ra sao. Chưa làm to, lão đã được cái sướng rồi.
Năm trước, anh Năm đã cho ô tô lên đón cụ ông sinh ra anh
Lý với cả lão về Hà Nội chơi. Hôm nào hai cụ áo chàm cũng
dắt nhau lên uống rượu ở chợ Đồng Xuân, hôm thì rượu
thịt cầy, hôm thì nhắm với nem rán. Say khướt rồi ngồi
xích lô bảo kéo về nhà anh Năm. Chẳng xích lô nào biết
nhà anh Năm ở đâu. Thế là xích lô đưa hai cụ miền núi vào
đồn công an. Chỉ một lúc đã có cái ô tô bóng nhoáng đen
tuyền đến đón tận cửa bót. Cả tháng, hôm nào cũng thế,
đã khoái một đời chưa nào!
Tôi được nghe những chuyện kiểu ấy đến một trăm lần
rồi. Nhưng lần này tôi về Khơ Đa còn vì một việc người
con cả ông Mã Hợp đã lên tận Khuổi Sao nhờ tôi giúp cho.
Chả là ông lão ngoài bảy mươi rồi, vẫn được đi làm có lương,
lão công tác lương thực ở thương nghiệp huyện. Ngày ngày
rong ruổi qua các làng bản thu mua lợn. Có một bà bán bánh
khảo ở chợ Đồng Đăng, chẳng biết đã bỏ bùa thế nào, lão
này đổ đốn đâm mê tít. Đến mùa, ông Mã Hợp hay lên núi
bắt tắc kè, bán được tiền lắm. Bao nhiêu tiền bán tắc
kè thế mà vẫn nhẵn túi. Nhờ chú về nói hộ với bố cháu…
Tôi về nhà lão Mã Hợp vì chuyện ấy và lại cũng còn một
tò mò khác. Ông Bùi Thành cũng đã kể cho nghe rằng năm
xưa anh Lý ở ngoài Hồng Kông về, định đem cô Mảy là