nữa. Tôi ngồi xuống mẩu gỗ trước mặt, trong khi bà lão lom
khom đẩy cái củi cho lửa to hơn. Bấy giờ tôi mới nhìn thấy
bát rượu sóng sánh để trên mặt sàn. Tôi lại càng thông cảm
niềm vui của bà lão, cái cảm giác về mụ Tường Lâm trong
truyện Lỗ Tấn mà tôi đã nghĩ ghép vào như trên kia, khi tôi
thoạt biết bà già ấy là cô Phảy đã từng ra Hồng Kông ngày
xưa, thế là không đúng, thế là không phải lúc này, và thế
là tôi, chính tôi mới là thằng dại khờ ngẩn ngơ như mụ Tường
Lâm của Lỗ Tấn kia.
Tôi cầm bàn tay gồ ghề của bà lão lên. Bà lão ôm cả hai
tay tôi, bàn tay nhăn nheo lạnh toát rắn chắc như đá tảng
nắm lấy tôi, nhấc tôi đứng dậy. Bà lão đẩy tôi lùi tới cái ổ
lá chuối khô mà tôi đoán đấy cũng là chỗ bà lão nằm ngủ.
Bà lão quay lại lom khom, lúi húi bới đống lá lôi trong góc
sàn ra một chiếc làn mây có nắp kiểu hòm đựng đồ vặt vẫn
thấy bày bán với bàn ghế tre trúc Đông Khê ngoài chợ, mặt
làn để bên cạnh bếp lâu đã lên nước bồ hôi đen nhánh.
Bà lão lục lọi các thứ trong làn. Đống xống áo cái rách
cái bạc phếch, dưới cùng có tờ giấy bóng trang kim bọc một
mảnh lụa đào màu còn tươi. Không phải mảnh lụa, đấy là cái
áo “xường xám” mà ngày trước các cô con gái Trung Quốc ở
thành phố hay mặc. Áo cộc tay thít lên tận nách, thân áo dài
quá đầu gối, xẻ hai bên hông. Mảnh màu hoa đào rực rỡ
giữa ổ lá chuối khô với những cái váy, cái áo dài chàm đã
rách tã. Ôi tấm áo ngày xưa. Cái áo năm xưa ở ngoài Hồng
Kông, những buổi tối mùa hạ, mùa thu, hai người đã quàng
vai nhau đi dạo chơi, ngồi chơi bên bờ đảo.