loạn, Murray và John lạc nhau. Ông thầy cùng hai, ba người nữa bám vào
vỉ gỗ, trôi nổi giữa dòng nước lạnh căm suốt 18 tiếng đồng hồ. Họ được tàu
hàng Colophon vớt lên. Con tàu cập bến Bermuda, đúng nơi Murray cần
đến. Murray nhận được điện tín, sau đó là thư tay, cho biết John an toàn,
nên không phải lo lắng cho học trò nữa.
“John Farnleigh, hay người giả làm John, được tàu Etrusca cứu, đưa tới
New York. Ở đấy, họ hàng của phu nhân Farnleigh, một người miền Tây, đã
chờ sẵn. Mọi chuyện lại diễn tiến theo đúng kế hoạch. Ngài Dudley dò hỏi
để biết chắc con trai còn sống, xong rồi thì thôi, không quan tâm nữa. Còn
ông con cũng chẳng hơn gì.
“John lớn lên, sinh sống tại Mỹ gần 25 năm, không hề viết một dòng thư
thăm hỏi gia đình. Cho đến khi họ chết, ổng không gửi một bức hình,
không tặng một tấm thiệp sinh nhật. Cũng may, vừa gặp ông Renwick,
người họ hàng ở Mỹ, là ổng thích ngay. Vai trò của Renwick coi như thay
thế cho phụ huynh. John… ờ… dường như thay đổi. Ông sống bình lặng
với nghề nông trên ruộng lớn. Nếu ổng ở lại quê hương, chắc cũng chỉ đến
vậy mà thôi. Trong những năm cuối chiến cuộc, John phục vụ trong quân
đội Mỹ, nhưng không đặt chân lên đất Anh, cũng không gặp lại cố nhân
nào. Cả Murray cũng không gặp. Murray sống ở Bermuda, chả giàu có gì,
John thì ở tít Colorado, không ai có tiền đi thăm nhau.
“Tại Anh, cuộc đời phẳng lặng trôi. Hầu như không ai nhớ đến John. Sau
khi phu nhân Farnleigh mất vào năm 1926, John bị quên lãng hoàn toàn.
Bốn năm sau, tới lượt ngài Dudley qua đời. Dudley con, giờ đã lớn, thừa
hưởng tước hiệu và điền trang. Ông ta không chịu lấy vợ, cứ bảo ngày còn
rộng, tháng còn dài. Song có rộng dài gì cho cam. Tháng tám, năm 1935,
Dudley con chết vì ngộ độc thực phẩm.”
“Ngay trước khi tao dọn đến đây.” Brian Page hồi tưởng. “Nhưng này,
Dudley có tìm cách liên lạc với em mình không?”
“Có gửi thư. Thư được trả về, dấu niêm vẫn nguyên. Chả là ngày xưa,
Dudley hay ra mặt anh trai kẻ cả. Sau đó, hai người lại xa cách nhau, có lẽ