thuốc chữa, vô phương cải tạo. Cha con phải cách li nhau. Phu nhân
Farnleigh có người họ hàng đang làm ăn phát đạt ở Mỹ. Bà bèn thu xếp cho
John qua ở cùng. Giải quyết vấn đề như vậy là tiện.
“Người duy nhất có thể quản được John là vị gia sư mang tên Kennet
Murray. Murray bấy giờ còn trẻ, chỉ độ 22 - 23 tuổi, đã đến Farnleigh Close
sau khi John bị đuổi học. Cũng cần nhắc: Sở thích của Murray là nghiên
cứu về tội phạm học, chính vì điều đó mà John gắn bó với thầy. Tội phạm
học thời trước không được coi trọng, nhưng ngài Dudley quý mến Murray
nên cũng chẳng nói gì nhiều.
“Lúc xảy ra vụ cô hầu, Murray đang được mời chào một vị trí tốt: trợ lí
hiệu trưởng một trường học tại Hamilton, Bermuda. Tuy phải xa nhà, ông
ta đồng ý, bởi ở điền trang không còn công việc nữa. Thế là mọi người dàn
xếp với nhau, Murray được giao nhiệm vụ đi kèm John tới New York, giữ
cho cậu bé khỏi gây rắc rối. Đến nơi, ông ta giao John cho người họ hàng
của phu nhân Farnleigh, rồi đón tàu khác đi Bermuda.”
Burrows ngừng lời, như để lục tìm quá khứ, đoạn nói tiếp:
“Về phần tao thì tao không nhớ gì mấy. Lũ trẻ tụi mình đâu được cho
chơi với ông John hư đốn. Chỉ có con bé Molly Bishop, mới sáu hay bảy
tuổi, là mê John phát cuồng. Ai nói xấu John nó đều không nghe, và có thể
xem như nó đã là vợ của John kể từ ngày đó. Tao còn nhớ mang máng cái
ngày John ngồi xe ngựa ra ga, đội cái mũ bẹt bằng rơm, với Kennet Murray
bên cạnh. Ngày hôm sau, họ lên tàu, giữa quang cảnh hội hè đình đám. Sao
lại đình đám? Chắc tao không nhắc mày cũng nhớ, con tàu ấy chính là
Titanic.”
Cả Burrows lẫn Page đều chìm về dĩ vãng. Với Page thời ấy thật hỗn
loạn, đầy những huyên náo, ngập tràn báo chí nơi góc đường, với một lố
những chuyện hoang đường vô căn vô cứ.
“Titanic, con tàu không thể chìm, rốt cuộc đâm vào tảng băng, chìm
nghỉm vào đêm 15 tháng 4 năm 1912,” Burrows lại nói. “Trong cơn hoảng