truyện, những việc bên lề cứ chen nhau tràn vào trong sách. Mà chúng tràn
vào chẳng qua vì Page không muốn đuổi chúng đi.
Nói thẳng ra, Page chẳng mong sẽ hoàn thành được cuốn sách. Ngay hồi
còn học luật, anh đã có thái độ “tưng tửng” như vậy. Anh quá nhác, không
thể viết sách theo lối học thuật chân chính, nhưng bởi thích tìm tòi và dẫu
sao cũng là thức giả, nên bỏ hẳn học thuật đi thì lại không an lòng. Soạn
xong sách hay không chả quan trọng. Nhưng Page tự răn mình phải làm
việc, rồi cứ thế thoải mái sục sạo vào đủ các ngõ ngách mê li của chủ đề.
Cuốn sách bên cạnh Page đề dòng chữ: Phiên xử phù thủy, tòa lưu động,
tại Bury St. Edmonds, hạt Suffolk, diễn ra ngày 10 tháng 3 năm 1664, trước
sự hiện diện của ngài Matthew Hale, hiệp sĩ, chánh thẩm Pháp viện Tài
chánh Hoàng gia in cho D. Brown, J. Walthoe, và M. Wotton, 1718.
Đấy là một ngõ ngách Page vừa dạo qua. Dĩ nhiên, ngài Matthew Hale
chẳng dính líu bao nhiêu tới phù thủy. Song điều đó chẳng ngăn Page viết
tới nửa chương nếu cảm thấy thích. Thở một hơi khoan khoái, Page lôi
xuống từ kệ một cuốn sách đã sờn của Glanvill. Vừa bắt đầu săm soi sách,
anh nghe tiếng bước chân trong vườn, rồi tiếng gọi bên ngoài cửa sổ.
Chính là Nathaniel Burrows, tay đang đung đưa cặp tài liệu, làm một cử
chỉ chẳng ra dáng luật sư tí nào!
“Bận không?” Burrows hỏi.
“Ờ,” Page ngáp dài, bỏ sách xuống, “vào làm điếu thuốc chơi.”
Burrows mở cửa kính, từ vườn bước vào căn phòng hơi tối nhưng ấm
cúng. Tuy cố giữ điệu bộ bình thường, gã lộ vẻ xúc động, giữa buổi chiều
nóng mà trông tái như bị rét. Từ ông cố, ông nội, tới cha, rồi tới gã, nhà
Burrows bao đời nay đều đại diện pháp lí cho họ Farnleigh. Đôi khi không
khỏi tự hỏi: Burrows còn trẻ, tính tình lại lăng xăng, thỉnh thoảng nói năng
bộc phát, như thế có thích hợp để làm luật sư gia đình hay chăng? Tuy thế,
theo Page thấy, gã nói chung kiểm soát tốt tình hình, luôn giữ được mặt
lạnh, lạnh hơn cả con cá bơn nằm trên thớt.