sang viết văn, làm chính trị và trở thành nhà ngoại giao. Mẹ An-cốp-xcai-a
chết sớm. Cô bé mồ côi mẹ từ thuở lên năm đó đã theo bố đi hầu khắp các
nước châu Âu. Về sau lão này đã bán bí mật quốc gia cho một cơ quan
ngoại quốc nào đó, hình như cho Anh thì phải, vì lúc bấy giờ đế quốc Anh
đang lăm le nhòm ngó Ba Lan. Về sau lão ta chết một cách kỳ lạ... Năm ấy
An-cốpxcai-a vừa đầy 18 tuổi. Cuộc sống trở nên bơ vơ, thiếu thốn.
Theo lời các ông bạn ngoại quốc, ả liền trở về nước. Họ giúp đỡ ả về vật
chất, còn ả thì cung cấp cho họ những tin tức cần thiết. Ả sống một đời
phóng đãng, luôn luôn tìm cách gần gũi với những ai có thể khai thác được
những điều có lợi cho các ông bạn ngoại quốc. Năm 1939, khi quân Đức
chiếm Ba Lan, ả chạy sang Luân Đôn. Năm 1940 được bọn Intelligence
service phái đến Ri-ga giúp Blây...
Không bao giờ ả muốn kể lại cuộc đời bí hiểm của mình, nhưng tôi đã
lợi dụng cơ hội thuận tiện để moi dần từng mẩu và chắp nối lại, thành ra
hiểu thêm về con nữ gián điệp đó.
Một buổi tối đẹp trời, An-cốp-xcai-a rủ tôi đến chơi nhà Grê-nhe. Nơi
đây thường tụ họp đám người Đức thượng lưu ở Ri-ga. Đêm nay ít khách.
Ở giữa bàn, mấy con bạc đang cơn máu me, trong góc cuối phòng, dăm ba
cây rượu vừa chè chén vừa lè nhè. Lúc mọi người đang vui chơi thì thình
lình có một tên sĩ quan SS vào thì thầm với chủ nhân. Grê-nhe tái mặt đi.
Hắn lôi An-cốp-xcai-a ra một chỗ rỉ tai cái gì rồi đến nói nhỏ với tên tướng
không quân đang ngồi đánh bài. Tên này lật đật đi ra, không chào ai cả.
Grê-nhe quay lại gượng cười với khách:
— Thưa quý vị, vì trường hợp cấp cứu nên tôi xin lỗi các vị...
Khách khứa kéo nhau ra về. Grê-nhe mời An-cốp-xcai-a đi với hắn. Tôi
đến bên An-cốp-xcai-a hỏi nhỏ, ả nghiêm trang trả lời rằng quan trên đã
đáp máy bay đến.