— Tôi xin phục tùng mọi mệnh lệnh của ngài, thưa ngài trung úy. Tôi ao
ước được trở thành đứa con xứng đáng của nước Đức hùng cường.
Người hộ lý bước vào dập gót, ưỡn ngực và lớn tiếng báo cáo :
— Bẩm trung úy, mọi việc đều xong xuôi cả. Ông bệnh nhân có thể thay
quân phục ngay bây giờ.
Tên này gật đầu :
— Đi thôi!
— Xin ngài vài phút nữa để tôi nhặt mấy tờ báo.
Gát-ca moi bằng hết mớ báo chí phát xít ở trong ngăn kéo bàn ra. Gã có
vẻ hí hửng lắm. Vừa thu dọn đồ đạc gã vừa nghêu ngao một bài dân ca Đức
tình tứ :
"Qua sông phải lụy lái đò
Tối trời nên phải lụy cô bán dầu..."
Gã lắc lư cái đầu lấy nhịp, chuyển sang điệp khúc :
"Nhị đào đừng bẻ cho ai.
Chữ trinh nhớ giữ cho người tình chung
Lời nguyền gửi trọn hay không... "
Gã liếc nhìn tôi như chế giễu và tiếp tục lải nhải :
"Là do ở một tấm lòng em thôi...
Tình tính tang, tang tính tình...".
Mấy câu hát ngụ ý khuyên răn những ai muốn sang sông thì phải lấy
lòng người chủ thuyền và có sang được bờ bên kia hay không cũng do
chính mình mà thôi...
Khó lòng mà đoán ra thâm ý của gã, nhưng lời ca thì bao hàm một ý
nghĩa hết sức bóng bẩy. Sự việc đêm hôm qua, lời ca hôm nay và thái độ
của Gát-ca đối với bọn Đức làm cho tôi rất băn khoăn. Họ ra đi được một
chốc thì An-cốp-xcai-a vào đưa cho tôi tờ giấy ra viện. Ả nói :
— Tôi đã chở đồ đạc đến đây cho anh rồi. Thay ngay quần áo đi, tôi
ngồi đợi anh ở dưới kia.
Người hộ lý mang lên cho tôi một chiếc va li rất đẹp đóng bằng da dầu
bóng lộn, nhưng không phải là va li trước kia của tôi. Trong đó có quần áo
lót, một bộ cánh, một đôi giày, toàn là đồ mới và thuộc loại đắt tiền cả.