Quốc xã từ trước khi Hít-le nhảy lên ghế quốc trưởng. Hắn quen biết cả
Gơ-ben *, có liên lạc với các chính khách quốc tế và hắn còn đảm nhiệm cả
một sứ mạng đặc biệt của bọn Hít-le ở nước ngoài nữa...
— Thế thì hắn là một tên lang băm, vì người thầy thuốc tốt không bao
giờ làm việc cho bọn người sát nhân ấy...
— Anh lại lý luận trẻ con rồi. Anh cho là trong đám thủ hạ của Hít-le
không một kẻ nào có lương tâm hay sao? Riêng Grê-nhe thì bọn đồng đảng
đã phải trách hắn là đã quá nhân đạo. Những kẻ như hắn chính là rường cột
của đảng Quốc xã Hít-le...
Đến một ngã tư, xe chúng tôi phải dừng lại vì phía trước có nhiều xe cộ
bị mắc nghẽn. An-cốp-xcai-a sốt ruột thò đầu ra ngoài nhìn tên cảnh sát
không chớp mắt. Tên này vội vàng bắt các xe trước tránh sang một bên rồi
cúi đầu nhã nhặn mời An-cốp-xcai-a đi...
Không ngờ ả còn có phép thuật làm mê hồn ngay cả những tay cảnh sát
như thế!
Xe lướt đi, câu chuyện lại tiếp tục.
— Dạo ấy cô làm gì ở bệnh viện mà ra vào đường hoàng như vậy?
— Săn sóc anh chứ còn làm gì nữa. Tôi được phép ra vào tự do ở đấy.
Sợ rằng trong cơn mê sảng anh buột mồm nói nhảm nên cần thiết phải có
một người hiểu biết anh luôn luôn ở cạnh...
Xe đỗ lại trước nhà giáo sư Grê-nhe. Tụi cầm quyền Đức đã dành cho
tên tướng quân y này cả một tầng gác trong tòa nhà ba tầng đồ sộ. Tên lính
gác không hỏi han gì hết. Chúng tôi trèo lên thang gác trải thảm. Tôi có
cảm tưởng rằng Grê-nhe sống ở đây đã hàng chục năm nay. Trong nhà
trang hoàng theo lối Đức. Đồ đạc bày biện rất ngăn nắp, thảm trải sạch
bóng, khung ảnh óng ánh vàng.
Chúng tôi bước vào phòng khách. Hình như ở đây đang chuẩn bị một
cuộc họp mặt long trọng. Trông thấy An-cốp-xcai-a, Grê-nhe luống cuống
chạy ra săn đón. Súng sính trong bộ quân phục cấp tướng, nom hắn càng
gầy gò, lênh khênh hơn. Ngực hắn lấp lánh chiếc huân chương chữ thập.
Hắn lắc lư cái cổ ngỗng dập gót giày đánh cộp một cái và nâng bàn tay vị
nữ thượng khách đưa lên môi, nói giọng trách móc: