— Không sao, không sao, ông chớ phật lòng. Mắt chúng tôi có thể nhìn
thấu ruột quả đất được cơ mà.
Tôi mỉm cười lễ phép:
— Vâng, đó chính là niềm kiêu hãnh của nước Đức.
— Phải, ông Blây đáng yêu ơi. Chúng tôi vốn biết ông từ thuở Un-ma-
nít còn tung hoành ở Lét-tô-ni, để ý đến ông từ ngày bọn đỏ lên múa may ở
đây, và như ông biết đấy, chúng tôi đã tìm ra ông ngay sau khi Lét-tô-ni trở
thành một tỉnh của nước Đức. Vậy chớ nên lấy vải thưa che mắt thánh.
Lần này tôi không cười mà trái lại tôi thu hết luồng mặt lạnh như băng
để nhìn vào mặt kẻ tiếp chuyện mình:
— Thưa, ngài định nói gì cơ ạ? Cứ cho là các ngài đã biết tôi đi, nhưng
rồi sao nữa?
Ê-din-ghe đã hơi nhụt giọng:
— Chỉ biết rằng ông đang ở trong tay chúng tôi. Khi một người lính đã
bị bắt làm tù binh thì bất cứ tiếng nước nào cũng gọi đó là một cuộc bại
trận.
Tôi vẫn lạnh lùng và nhã nhặn:
— Thất bại của một cá nhân sĩ quan không nên coi là chiến bại của cả
quốc gia. Ông chớ quên tôi là một điệp viên. Mà người điệp viên thì bao
giờ cũng sẵn sàng đợi chết! Nghề của chúng tôi là: đánh gục kẻ thù và,
ngược lại, luôn luôn sẵn sàng đo ván.
Giọng nói cứng rắn của tôi không phải là vô tác dụng. Thoạt nghe xong,
Ê-din-ghe gật gù có vẻ hài lòng lắm:
— Rất mừng là ông đã hiểu vậy... Thế thì bây giờ chúng ta nên mặc cả
đi.
Tôi ngồi thẳng người lên:
— Tôi đã bán mình đâu, thưa quan chánh?
Hắn hỏi tôi một cách bóng bẩy :
— Ông không sợ chết hay sao? Nghĩ lại xem, chết thật là uổng!
— Thưa ngài, người sĩ quan Anh quốc chỉ sợ có đức Anh hoàng và đức
Chúa trời. Còn tôi với ngài chỉ là đồng nghiệp.