Tôi vẫn khăng khăng nhắc lại:
— Dù sao tôi cũng cần suy nghĩ - và nghĩ bụng: "Hãy để cho tên này
thấy rằng mua chuộc được một sĩ quan Anh không phải là chuyện dễ".
Ê-din-ghe nhìn tôi với cặp mắt lươn ti hí. Tôi nghiêm nghị hỏi:
— Việc thay thầy đổi chủ này sẽ mang lại cho tôi những gì? Và tôi sẽ
sống ra sao?
Ê-din-ghe liền vênh mặt đáp:
— Chúng tôi chưa hề bị ai chê trách là keo kiệt cả. Chúng tôi sẽ thường
xuyên cấp đủ tiền nong cho ông trong khi hoạt động.
Tôi trơ trẽn hỏi:
— Tính theo tiền nước nào?
— Tất nhiên là theo đồng Mác, vì đồng Mác chả kém lắm đâu.
— Nhưng cũng chả đắt gì. Ngày nay đồng Mác đã bị phá giá...
— Thì bằng đồng Xtéc-linh hay Đô-la vậy - hắn vội vàng nói thêm - Sau
khi chiến tranh chấm dứt, chính phủ Anh thân Đức sẽ mời ông giữ một ghế
quan trọng.
Hắn nói có vẻ chắc mẩm rằng nhất định tôi không còn đường nào để từ
chối nữa. Nhưng tôi nghĩ càng kéo dài việc mặc cả càng có lợi, và như thế
hắn sẽ vị nể cái địa vị Blây của tôi hơn và càng khó đánh hơi ra thiếu tá
Ma-ca-rốp.
Tôi bèn khẩn khoản:
— Rất tha thiết mong quan chánh thư thả cho tôi một ít lâu.
Ê-din-ghe đứng dậy, kiểu cách nói:
— Xin vui lòng cho ông một tuần nữa. Nhưng mong ông nhớ cho là
không có ông, việc của chúng tôi vẫn trôi chảy, còn ông mà không có
chúng tôi thì gay go lắm đấy.
Hắn tiễn chân tôi ra tận ngoài cửa phòng.
An-cốp-xcai-a đang sốt ruột đợi tôi ở nhà. Ả coi cuộc hội kiến giữa tôi
với tên chánh mật thám Giét-ta-pô như một sự kiện cực kỳ quan trọng. Vừa
thấy mặt tôi, ả đã hỏi dồn:
— Thế nào? Thế nào?
— Hắn gạ tôi làm gián điệp cho Đức và hứa sẽ ném tôi trở về Luân Đôn.