— Cô nghĩ sao mà dám tin rằng sau khi phát hiện ra lưới điệp viên của
Intelligence service tôi lại không giao nộp bọn chúng cho tình báo Liên
Xô?
Ả dằn từng tiếng:
— Vì anh muốn sống. Vì anh chưa kịp mở mồm ra nói với các đồng chí
của anh một lời nào thì đầu anh đã rời khỏi cổ rồi.
— Sao? Chả nhẽ tôi mang tin tức đó về mà họ lại giết tôi...
— Nhưng anh đã chết rồi cơ mà. Hóa ra anh không hiểu gì ư?
— Không, không hiểu thật. Tôi chả cần cấu vào tai cũng biết chắc là
mình không ngủ mê.
— Được, tôi sẽ cấu vào tai hộ anh. Đi theo tôi!
An-cốp-xcai-a cầm lấy tay tôi lôi ra khỏi phòng. Ả bảo tôi lên ô tô và lái
thẳng đến nghĩa trang.
Xưa nay nghĩa trang của thành phố Ri-ga vẫn được coi là một thắng
cảnh. Công trình kiến trúc ở đây công phu và tráng lệ như một viện bảo
tàng. Khắp nơi nhan nhản những bia kỷ niệm, những tượng đá cao... Đây là
nơi yên nghỉ cuối cùng của bao thế hệ...
Một lối đi rải sỏi thẳng tắp, hai bên hoa cỏ xanh tươi. Theo đường đó
An-cốp-xcai-a dắt tôi qua những ngôi mộ xinh xắn xây bằng cẩm thạch hay
đá hoa cương, qua những thập tự trắng xóa và dừng lại trước một ngôi mộ
mới, sơ sài.
— Trông đấy!
Tôi thản nhiên nhìn nấm đất vuông vắn, cỏ xanh chưa phủ kín, ngắm
tấm bia bằng cương thạch màu hồng, những bông hoa dại mọc chen dưới
chân bia rồi nhún vai. Ả cáu tiết lườm tôi:
— Ủa, anh này như người rừng ấy! Đọc dòng chữ này xem.
Tôi cúi xuống đọc dòng chữ khắc trên bia: "THIẾU TÁ AN-ĐRÂY SE-
MEN-NÔ-VÍT MA-CA-RỐP 23-1-1912 - 22-5-1941".
Ồ hay, lạ chửa... Té ra tôi đang đứng bên mộ mình. Tôi lạnh toát người,
đầu óc choáng váng, tim đau nhói như bị ai đâm...
Nét mặt An-cốp-xcai-a vẫn lạnh lùng: