chúng mình. Tất cả đám tay chân của hắn, rải rác ở các rạp hát, cửa hiệu,
làm nghề bồi bàn, bán vé, uốn tóc đều chỉ là cái mặt nạ lừa bịp. Bọn Đức
hiểu rõ như vậy. Chúng cũng chả cần gì đến cá nhân Blây lắm. Nhưng
chúng rất chú ý đến bọn tay chân của hắn. Do đó chúng muốn nắm Blây.
Chả kẻ nào muốn nuôi ong tay áo, để bom nổ chậm của kẻ thù trong nhà
cả. Bọn Đức hoặc muốn phá nổ quả bom ấy đi hoặc cướp lấy để dùng.
Tôi cãi:
— Nhưng Ê-din-ghe có đả động gì đến đám tay sai Blây đâu. Ngược lại
hắn tỏ ra rất cần tôi.
Prô-nin xua tay:
— Đừng ngớ ngẩn nữa. Thoạt tiên chúng định mua chuộc Blây và khi
Blây đã bị ràng buộc vào chúng rồi, chúng mới giở giọng đòi giao nộp đám
thủ hạ kia.
— Nhưng tôi có biết gì về bọn này đâu?Và tôi thấy rằng chúng ta không
thể nào đùa dai mãi với bọn Đức được.
Prô-nin nghiêm trang bảo:
— Vấn đề là ở chỗ phải nắm cho được lưới tay sai bí mật đó. Địa vị của
cậu cho chúng ta rất nhiều khả năng để đi sâu vào những bí mật của Blây.
Cậu phải cáng đáng lấy công việc đó trước Tổ quốc. Chúng ta không thể bỏ
qua bọn tay chân của Intelligence service. Đó là một công tác nặng nề mà
cấp trên đã giao phó cho cậu. Hầu hết nhân dân Liên Xô đang hi sinh cho
cuộc chiến tranh hiện tại để bảo đảm thắng lợi. Nhưng riêng cậu lại có trách
nhiệm phải hành động cho ngày mai, để dập tắt mồi lửa của cuộc chiến
tranh khác trong tương lai.
Prô-nin dặn dò tôi cụ thể phải xử sự và hành động ra sao, nhắc nhở phải
nhẫn nại, bình tĩnh, can đảm, và thận trọng.
Anh trách tôi:
— Cậu rất thiếu điềm tĩnh. Hay để lộ tình cảm ra trên nét mặt, mà đối
với một tình báo viên thì đó là một nhược điểm lớn. Hãy nhớ lại chuyện ở
nhà thương xem...
— Nhưng dạo đó anh cũng đã lòi đuôi ra rồi!
Prô-nin ngạc nhiên: