Ngày hôm sau Giê-lê-nốp đến nhà tôi. Lần này anh đi thẳng qua cửa
chính. Mác-ta vào báo:
— Có người hỏi ông, cái người mà hôm nọ đã cùng ông đi đâu đấy.
Giê-lê-nốp mang theo giấy tờ đã được đổi tên là Vích-to Sa-ru-sin.
Những giấy tờ ấy được làm chính xác và ăn khớp y như thật.
Tôi gọi Mác-ta lên bảo là tôi đã thuê lái xe. Để dò xét thái độ phản ứng
của chị, tôi nói:
— Anh ta sẽ ngủ ở đây. Kê cho anh ta một chiếc giường ngoài hành
lang, nghe chưa?
Sở dĩ chúng tôi chọn nơi này làm chỗ nghỉ cho Giê-lê-nốp vì ở đó có hai
lối để đi ra khỏi nhà.
Mác-ta vốn bản tính trầm ngâm, ít ăn ít nói, nhưng nay thấy có người
mới đến ở chị cũng lộ vẻ vui mừng. Chị thưa:
— Thưa ông, cháu xin vâng lời ông. Nếu ông cho phép, cháu sẽ mang
chiếc đi-văng nhỏ ở phòng khách ra cho ông Vích-to nằm.
Tôi tò mò hỏi:
— Anh ta không làm gì phiền cho chị chứ?
— Thưa ông, trái lại thế đấy ạ. Cháu rất sung sướng được chăm nom
cho một người đáng mến như vậy.
Mác-ta đi rồi, tôi quay sang Giê-lê-nốp:
— Cậu làm thế nào mà khéo thu phục lòng người đến thế?
Giê-lê-nốp cười tủm:
— Có lẽ chị ta đã đoán ra được ít nhiều. Chị ấy là một phụ nữ bình
thường đã nếm biết bao điều cay đắng khổ nhục do quân phát xít gây nên.
Nhiều người thân thích của chị bị dồn sang Đức, một người em trai bị treo
cổ. Các đồng chí bạn của em chị biết rõ chị lắm và họ đã khuyên nên hỏi ý
kiến chị về cử chỉ hành động của anh. Chị ta cho biết anh là một người tốt,
mực thước. Chị ta quý trọng anh ở chỗ là không hề dan díu với An-cốp-
xcai-a và bọn thiếu nữ thường lui tới nhà này. Hôm chúng ta bố trí chuyến
đi đến căn cứ du kích thì chị nhận nhiệm vụ báo trước cho tôi biết mọi tình
hình để tránh sự phục kích bất ngờ của bọn mật thám.