chuỗi có thứ tự xác định của cấu trúc tấm xếp lớp. Trong lụa còn lại khoảng
15-20% các amino acid khác - không do glycine, alanine, và serine tạo nên
- với một số phân tử mà nhóm biên của chúng có thể dễ dàng liên kết hóa
học với các phân tử thuốc nhuộm, tạo nên những sắc thắm, lộng lẫy và độ
bền màu cao góp phần vào sự nổi tiếng của lụa. Chính hai tính chất tự
nhiên của lụa - các nhóm biên nhỏ xếp tuần tự trên dưới tạo thành cấu trúc
tấm với các nếp gấp giúp lụa có độ chắc bền, mềm mại và láng bóng, cùng
với các phân tử amino acid đa dạng còn lại tạo nên độ lóng lánh và khả
năng bắt thuốc nhuộm tuyệt vời - đã giúp lụa tơ tằm trở thành loại vải đáng
mơ ước nhất trong suốt nhiều thế kỷ.
Tìm kiếm lụa tổng hợp
Những tính chất đặc trưng của lụa tơ tằm rất khó sao chép. Nhưng bởi
lụa rất đắt và có nhu cầu rất lớn, nên từ khoảng cuối thế kỷ 19, đã có rất
nhiều cố gắng để tạo ra phiên bản lụa tổng hợp. Lụa là một phân tử khá đơn
giản - chỉ là sự lặp lại của những đơn vị cấu trúc tương đồng. Tuy vậy việc
kết nối các đơn vị cấu trúc này lại với nhau một cách trật tự và cả ngẫu
nhiên như cấu trúc của lụa tự nhiên lại là một vấn đề hóa học rất hóc búa. Ở
một quy mô rất nhỏ, các nhà hóa học hiện đại ngày nay có thể sao chép và
nhân rộng cấu trúc của một phân tử protein xác định, nhưng quá trình này
đòi hỏi rất nhiều thời gian và độ chính xác. Một phân tử protein của lụa
tổng hợp theo cách này trong phòng thí nghiệm sẽ đắt hơn lụa tự nhiên rất
nhiều lần.
Cho đến tận thế kỷ 20, sự phức tạp trong cấu trúc hóa học của lụa vẫn
chưa được biết đến, do vậy, các nỗ lực ban đầu để tạo nên phiên bản tổng
hợp của lụa thường là kết quả của những sự tình cờ may mắn. Khoảng cuối
những năm 1870, bá tước người Pháp Hilaire de Chardonnet, trong khi theo
đuổi sở thích nhiếp ảnh, đã phát hiện ra rằng dung dịch colloidon - vật liệu
nitrocellulose được dùng để phủ lên các tấm ảnh - có thể tạo thành một
khối kết dính, từ đó có thể kéo ra được những sợi dài và mảnh khá giống
với các sợi tơ. Điều này gợi cho Chardonnet những sự việc ông đã nhìn