mạnh mẽ vào đầu thế kỷ 20, đã khiến nhu cầu shellac tăng chóng mặt. Để
làm ra một vật liệu cách điện, thậm chí chỉ sử dụng giấy được phủ shellac,
cũng cần chi phí rất cao, và Baekeland nhận thấy rằng vật liệu shellac nhân
tạo sẽ trở nên rất cần thiết cho thị trường vật liệu cách điện đang tăng
trưởng mạnh mẽ.
Hướng tiếp cận đầu tiên của Baekeland trong việc chế tạo vật liệu shellac
liên quan đến phản ứng giữa phenol - phân tử mà Lister đã dùng để thay đổi
thành công quy trình phẫu thuật - và formaldehyde, một hợp chất được tổng
hợp từ methanol (cồn gỗ) và trong thời kỳ này được các dịch vụ mai táng
dùng rất phổ biến như chất ướp xác và bảo quản các bộ phận của động vật.
Các nỗ lực trước đó nhằm kết hợp hai hợp chất này có những kết quả rất
đáng thất vọng. Phản ứng xảy ra rất nhanh và không thể kiểm soát, tạo
thành vật liệu không tan và không nóng chảy, rất dễ vỡ và không có độ đàn
hồi để có thể ứng dụng được. Nhưng Baekeland nhận ra rằng những tính
chất nêu trên có thể chính là những tính chất cần thiết của shellac nhân tạo
sử dụng làm vật cách điện, với điều kiện bằng cách nào đó ông có thể kiểm
soát được phản ứng sao cho vật liệu tạo thành có thể được gia công thành
những hình dạng hữu dụng.
Vào năm 1907, sử dụng một phản ứng có thể kiểm soát được cả nhiệt độ
và áp suất, Baekeland đã tạo ra một chất lỏng có thể nhanh chóng đóng rắn
thành một vật liệu trong suốt và có màu hổ phách chính xác theo hình dạng
của khuôn hoặc bình chứa mà nó được đổ vào. Ông đặt tên cho vật liệu này
là Bakelite và gọi thiết bị khá giống với nồi áp suất được sử dụng để tạo ra
Bakelite là Bakelizer. Có lẽ chúng ta có thể đồng cảm với hành động “tự