nhiên là polymer của isoprene, và rằng với lưu huỳnh, ông đã tạo nên các
liên kết ngang vô cùng quan trọng giữa các phân tử cao su. Khi được cung
cấp nhiệt, các nguyên tử lưu huỳnh tạo nên những liên kết ngang giúp các
chuỗi dài của phân tử cao su giữ nguyên vị trí. Phải đến hơn bảy mươi năm
sau phát hiện có phần may mắn của Goodyear - được ông gọi là
vulcanization (sự lưu hóa) theo tên vị thần lửa Vulcan trong thần thoại La
Mã - cho đến khi nhà hóa học người Anh Samuel Shrowder Pickles đề xuất
rằng cao su là polymer mạch thẳng của isoprene, và quá trình lưu hóa cao
su cuối cùng mới được giải thích cặn kẽ.
Tính chất đàn hồi của cao su là kết quả trực tiếp từ cấu trúc hóa học của
nó. Các chuỗi polyisoprene ban đầu nằm co cụm một cách ngẫu nhiên, khi
bị kéo giãn, các chuỗi này bắt đầu duỗi thẳng và tự sắp xếp theo chiều của
lực kéo. Khi lực kéo được triệt tiêu, các phân tử cao su lại trở về trạng thái
ban đầu. Các chuỗi dài linh hoạt với cấu hình dạng cis của phân tử cao su
thiên nhiên không nằm gần nhau đủ để tạo thành quá nhiều các liên kết
ngang giữa các chuỗi, đồng thời các phân tử xếp cạnh nhau có thể trượt qua
nhau khi cả khối vật liệu chịu áp lực. Điều này trái ngược với kết cấu
zigzag vô cùng trật tự của đồng phân dạng trans. Các phân tử này có thể
nằm sát lại với nhau, hình thành các liên kết ngang đủ mạnh để ngăn cản
các chuỗi trượt khỏi nhau - khối vật liệu không bị kéo giãn. Do đó, nhựa
kết và balata, isoprene dạng trans, là vật liệu cứng và không đàn hồi, trong
khi đó cao su thiên nhiên, isoprene dạng cis, là một vật liệu đàn hồi vô cùng
linh hoạt.
Chuỗi đồng phân cis của phân tử cao su không thể nằm quá gần một
chuỗi khác và rất ít liên kết ngang được tạo thành. Khi bị kéo giãn, các
chuỗi có thể trượt khỏi nhau.