hơn, đến bờ đông của Ấn Độ, bằng cách khởi hành về vùng biển phía tây
châu Âu. Columbus đã thuyết phục được vua Ferdinand Đệ Ngũ và hoàng
hậu Isabella của Tây Ban Nha tài trợ kinh phí cho chuyến thám hiểm này,
cũng là chuyến đi đầu tiên của ông. Niềm tin của Columbus không hề sai,
nhưng cũng không hoàn toàn đúng đắn. Ngày nay, tất cả chúng ta đều biết
rõ là nếu đi từ châu Âu theo hướng tây, đương nhiên cuối cùng sẽ đến được
Ấn Độ; tuy nhiên đây là một lộ tuyến xa hơn nhiều. Columbus không hề
biết đến sự tồn tại của các lục địa Bắc và Nam Mỹ, ông cũng không tưởng
tượng được sự mênh mông của Thái Bình Dương. Những điều này đã trở
thành những chướng ngại khổng lồ trong cuộc hành trình của ông.
Vậy điều gì trong hạt tiêu đã tạo nên thành phố Venice phồn thịnh, đã mở
đầu một kỷ nguyên mới trong lịch sử nhân loại và đã khiến Columbus lên
đường để rồi tìm ra Tân Thế Giới? Hoạt chất trong cả tiêu đen và tiêu trắng
là một phân tử có tên là piperine, với công thức hóa học C
₁₇H₁₉O₃N. Cấu
trúc của piperine được mô tả như sau:
Piperine
Cảm giác cay nồng trong miệng khi ăn tiêu thực chất không phải là một
vị, mà nó là sự hồi đáp của các dây thần kinh đau, tạo ra dưới tác động của
một kích thích hóa học. Chúng ta vẫn chưa thực sự biết chính xác cơ chế
tạo thành sự hồi đáp này, dù đã có lý thuyết cho rằng do hình dạng của
phân tử piperine khớp với các phân tử protein trên điểm cuối của dây thần
kinh đau trong miệng, làm cho các phân tử protein này bị biến dạng và
truyền một tín hiệu dọc theo dây thần kinh về não, với thông báo kiểu như
“Ôi, nóng quá”.
Câu chuyện về phân tử piperine cay nồng và những chuyến phiêu lưu
của Columbus không kết thúc với thất bại của ông trong việc đi về phía tây
để tìm một con đường thương mại mới với Ấn Độ. Khi cập bờ vào tháng 10