năm 1492, Columbus cho rằng - hoặc hy vọng rằng - mình đã đến một vùng
nào đó của Ấn Độ. Mặc dù không thấy các thành phố lớn và các vương
quốc giàu có như trong hình dung trước đó về Ấn Độ, nhà thám hiểm lừng
danh vẫn gọi vùng đất vừa tìm thấy là Tây Ấn, và những người dân sống ở
đó là người Ấn Độ (Indians). Trong chuyến thám hiểm lần thứ hai đến Tây
Ấn, tại Haiti, Columbus đã tìm được một loại gia vị cay nồng khác: ớt. Mặc
dù nó hoàn toàn khác với hồ tiêu, ông vẫn mang nó về Tây Ban Nha.
Loại gia vị mới này đã lan rộng về hướng đông, rồi cùng với người Bồ
Đào Nha chu du vòng quanh châu Phi, đến Ấn Độ và xa hơn nữa. Chỉ trong
vòng năm mươi năm, ớt đã trở nên phổ biến trên toàn thế giới và nhanh
chóng trở thành một phần của ẩm thực địa phương, đặc biệt là tại các vùng
đất châu Phi, Đông và Nam Á. Đối với hàng triệu người yêu thích vị cay
nồng trong thức ăn, có lẽ ớt chính là một trong những phát kiến quan trọng
và bền vững nhất trong những chuyến thám hiểm của Columbus.
Hóa học cay nồng
Khác với hồ tiêu chỉ có một loài duy nhất, ớt gồm nhiều loài khác nhau
trong chi Capsicum. Là một loài thổ sản tại các vùng đất nhiệt đới thuộc
châu Mỹ và nhiều khả năng có nguồn gốc từ Mexico, ớt đã được loài người
sử dụng ít nhất là trong 9000 năm. Các giống ớt trong cùng một loại cũng
vô cùng đa dạng. Ví dụ như Capsicum annuum, thuộc loại cây một năm
bao gồm cả ớt chuông, ớt ngọt, pimentos, ớt chuối, paprika, ớt cayenne và
nhiều giống khác. Ớt tabasco là loại thân gỗ lâu năm, Capsicum frutescens.
Ớt có rất nhiều loại với mọi kích cỡ, hình dạng và màu sắc, tuy vậy, hợp
chất hóa học tạo nên hương vị hăng nồng, thường là nóng cay dữ dội trong
mọi loại ớt chính là capsaicin, với công thức hóa học C
₁₈H₂₇O₃N và cấu
trúc có những điểm tương đồng với cấu trúc của piperine: