Nhiễm độc nấm cựa gà tại châu Âu lần đầu được ghi chép lại, vào năm
857 SCN, tại thung lũng sông Rhine, nước Đức. Những tài liệu này cũng
lưu lại con số bốn mươi ngàn trường hợp tử vong tại Pháp vào năm 994 mà
hiện nay được biết do nhiễm độc nấm cựa gà, và mười hai ngàn người nữa
thiệt mạng vào năm 1129. Những đợt nhiễm độc xảy ra theo chu kỳ trong
suốt nhiều thế kỷ cho đến tận thế kỷ 20. Trong hai năm 1926-1927, hơn
mười một ngàn người dân Nga tại vùng núi Ural đã bị nhiễm độc nấm cựa
gà. Khoảng hai trăm trường hợp nhiễm độc đã được báo cáo tại Anh. Vào
năm 1951, tại thị trấn Provence, nước Pháp, bốn trường hợp tử vong và
hàng trăm ca nhiễm độc nấm đã xảy ra khi lúa mạch nhiễm nấm được xay
thành bột và bán cho một cửa hàng làm bánh, mặc dù người nông dân, chủ
cối xay và chủ tiệm bánh đều có vẻ như đã biết rằng lúa mạch bị nhiễm
nấm.
Ít nhất đã có bốn sự kiện mà trong đó các hợp chất alkaloid nấm cựa gà
được cho là đóng vai trò quan trọng trong tiến trình lịch sử. Trong chiến
dịch tại vùng Gaul vào thế kỷ 1 TCN, một đợt nhiễm độc nấm cựa gà trong
quân đoàn của Julius Caesar đã gây ra tình cảnh thảm khốc, làm giảm hiệu
quả của đoàn quân, đồng thời cũng có thể đã làm giảm tham vọng của
Caesar trong việc mở rộng đế quốc La Mã. Vào mùa hè năm 1722, đội
quân Cossack của Pie Đại đế đóng quân tại Astrakhan, gần cửa sông Volga
nối vào biển Caspian. Cả binh lính lẫn ngựa của họ đều ăn phải lúa mạch
nhiễm nấm. Kết quả là khoảng hai mươi ngàn binh lính đã thiệt mạng,
khiến đội quân của Sa hoàng bị tàn phá nghiêm trọng đến mức ông đã phải
hủy bỏ chiến dịch tiến đánh Thổ Nhĩ Kỳ. Do đó, mục tiêu chiếm đóng vùng
cảng biển phía nam biển Đen của người Nga đã bị những hợp chất alkaloid
nấm cựa gà ngăn chặn.
Vào tháng 7 năm 1789, tại Pháp, hàng ngàn tá điền đã nổi dậy chống lại
những địa chủ giàu có. Có những bằng chứng cho thấy sự kiện lịch sử này,
vẫn được gọi là La Grande Peur (Nỗi sợ hãi lớn), không chỉ đơn giản là sự
bất ổn trong dân chúng gắn liền với cuộc Cách mạng Pháp. Các tài liệu ghi
chép rằng cuộc nổi dậy này xuất phát từ cơn giận điên cuồng của nông dân