Trung Quốc đã nỗ lực dập tắt ngành nghề kinh doanh nở rộ ngoài pháp luật
này. Nhà chức trách tịch thu và tiêu hủy lượng thuốc phiện đủ cung cấp
trong một năm tại một kho chứa ở Canton (bây giờ là Quảng Châu) và ở
một chiếc tàu buôn Anh đang đợi bốc hàng tại cảng Canton. Vài ngày sau,
một nhóm thủy thủ Anh say xỉn bị buộc tội giết chết một nông dân địa
phương, cho người Anh một lý do để tuyên chiến với Trung Quốc. Người
Anh giành chiến thắng trong cuộc chiến được gọi là Cuộc chiến Thuốc
phiện lần thứ nhất (1839-1842) và thay đổi cán cân thương mại giữa hai
quốc gia. Trung Quốc bị buộc phải trả một khoản tiền bồi thường chiến
tranh vô cùng lớn, phải mở năm bến cảng cho hoạt động thương mại với
Anh, và phải nhượng Hơngkong cho người Anh.
Gần hai mươi năm sau, Trung Quốc lại thất bại trong Cuộc chiến Thuốc
phiện lần hai với người Pháp và người Anh, và tiếp tục phải nhượng bộ.
Nhiều bến cảng hơn được mở để giao thương với nước ngoài, người châu
Âu được cấp quyền định cư và du lịch, những nhà truyền giáo Cơ Đốc
được tự do đi lại, và cuối cùng, việc kinh doanh thuốc phiện đã được họp
thức hóa. Thuốc phiện, thuốc lá, và trà trở thành tác nhân phá vỡ sự bế
quan tỏa cảng nhiều thế kỷ tại Trung Quốc. Từ đó, Trung Quốc bước vào
một giai đoạn biến động và thay đổi để cuối cùng dẫn đến cuộc Cách mạng
năm 1911.
Giấc mộng say sưa
Thuốc phiện chứa hai mươi bốn loại alkaloid khác nhau. Nhiều nhất là
morphine, chiếm khoảng 10% chiết xuất thô của thuốc phiện, một chất kết
dính tiết ra từ đài hoa anh túc. Morphine nguyên chất được phân lập từ
chiết xuất này vào năm 1803 bởi nhà bào chế thuốc người Đức Friedrich
Serturner. Ông đã đặt tên cho hợp chất thu được là morphine, theo tên
Morpheus, vị thần của các giấc mơ trong thần thoại La Mã. Morphine là ma
túy, một phân tử có tác dụng làm tê liệt các giác quan (do vậy có tác dụng
giảm đau) và gây ngủ.