Ngoài vai trò cung cấp năng lượng như một loại thực phẩm, dầu olive
còn được sử dụng cho rất nhiều mục đích khác trong cuộc sống hằng ngày
của người dân vùng Địa Trung Hải. Những chiếc đèn thắp sáng bằng dầu
olive. Dầu olive cũng được dùng như mỹ phẩm; cả người Hy Lạp và người
La Mã đều bôi dầu olive lên cơ thể sau khi tắm. Các vận động viên xem
việc massage bằng dầu olive là việc làm cần thiết để giữ cho các cơ mềm
dẻo, linh hoạt. Những đô vật thường phủ một lóp cát hoặc bụi lên lớp dầu
trên cơ thể họ để các đối thủ có thể nắm chặt được họ trong khi thi đấu.
Những nghi thức sau các sự kiện thể thao bao gồm tắm rửa và massage với
nhiều dầu olive hơn nữa để giảm đau và chữa các vết trầy xước. Phụ nữ
dùng dầu olive để giữ làn da tươi trẻ và mái tóc bóng mượt. Nó được cho là
có khả năng ngăn chứng hói đầu và tăng cường thể lực. Các hợp chất tạo ra
mùi thơm và hương vị trong các loại thảo mộc thường dễ tan trong dầu, vì
vậy lá nguyệt quế, vừng, hoa hồng, thì là, bạc hà, bách xù, xô thơm và
nhiều loại lá và hoa khác thường được ngâm trong dầu olive để tạo ra
những hỗn hợp có mùi hương vô cùng độc đáo và có giá trị cao. Các bác sĩ
tại Hy Lạp đã kê đơn dầu olive hoặc những hỗn hợp kể trên để chữa trị
nhiều loại bệnh như buồn nôn, bệnh tả, lở loét và chứng mất ngủ. Nhiều
hướng dẫn sử dụng dầu olive, uống hoặc dùng xoa bóp, được tìm thấy trong
các y thư cổ của Ai Cập. Ngay cả lá olive cũng được dùng để giảm sốt và
chữa sốt rét. Như hiện nay chúng ta đã biết, những chiếc lá olive có chứa
salicylic acid, phân tử có trong cây liễu và cây râu dê mà từ chúng, Felix
Hofmann đã phát triển thành công thuốc aspirin năm 1893.
Tầm quan trọng của dầu olive đối với người dân vùng Địa Trung Hải
được thể hiện rõ trong những trước tác và cả trong luật lệ của họ. Homer,
nhà thơ vĩ đại của Hy Lạp, đã gọi nó là “vàng lỏng”. Triết gia Hy Lạp
Democritus tin rằng một chế độ dinh dưỡng gồm mật ong và dầu olive có
thể giúp con người sống đến một trăm tuổi, con số trường thọ trong thời kỳ
mà tuổi thọ trung bình của con người chỉ xấp xỉ mức bốn mươi tuổi. Vào
thế kỷ 6 TCN, nhà lập pháp thành Athens, Solon - người đã có công trong
việc thành lập bộ luật quy tắc nhân văn, những tòa án đại chúng, thiết lập