kể trên ngày nay vẫn được dùng để giặt các loại vải dệt tinh xảo hoặc để
làm dầu gội; chúng tạo bọt rất mịn và có hiệu quả làm sạch rất êm dịu.
Quy trình làm ra xà phòng là một phát hiện hết sức tình cờ. Những người
đun nấu bằng củi có lẽ đã nhận thấy khi mỡ hoặc dầu ăn nhỏ từ thức ăn vào
tro bếp sẽ tạo thành một hợp chất có khả năng tạo bọt trong nước. Không
mất quá nhiều thời gian để loài người nhận ra rằng đây là một chất tẩy rửa
hữu ích, và có thể được sản xuất có chủ ý từ dầu hoặc mỡ và tro gỗ. Sự
phát hiện này chắc hẳn đã xảy ra tại nhiều nơi trên thế giới, với bằng chứng
của việc sản xuất xà phòng trong nhiều nền văn minh. Những bình đất sét
đựng một loại xà phòng và bản hướng dẫn quy trình sản xuất đã được tìm
thấy trong số những di vật khai quật của nền văn minh Babylon, gần năm
ngàn năm trước. Những ghi chép của người Ai Cập vào khoảng năm 1500
TCN cũng mô tả rằng xà phòng được làm từ mỡ động vật và tro gỗ, và
xuyên suốt nhiều thế kỷ, có những trích dẫn về việc sử dụng xà phòng
trong các ngành nghề dệt và nhuộm. Người Gaul được biết đến là dân tộc
đã sử dụng xà phòng làm từ mỡ dê và bồ tạt (kali carbonate - K
₂CO₃) để
làm sáng hoặc đỏ hơn màu tóc của họ. Một cách sử dụng khác của loại xà
phòng này như một dạng sáp thơm để làm cứng tóc - một hình thức sơ khai
của gel bôi tóc. Người Celt cũng đã phát hiện ra cách làm xà phòng, và họ
đã sử dụng nó để tắm rửa và giặt quần áo.
Truyền thuyết La Mã cho rằng những người phụ nữ giặt đồ trên sông
Tiber xuôi dòng từ đền thờ trên núi Sapo đã phát hiện ra xà phòng. Mỡ của
các động vật hiến tế tại đền thờ đã kết hợp với tro từ ngọn lửa tế. Khi trời
mưa, những chất thải này có thể đã chảy dọc sườn núi và hòa vào dòng
sông Tiber dưới dạng nước xà phòng, và đã được những người phụ nữ giặt
đồ của La Mã sử dụng. Thuật ngữ hóa học cho phản ứng xảy ra khi
triglyceride trong mỡ hoặc dầu phản ứng với chất kiềm trong tro được gọi
là xà phòng hóa (saponification), một cụm từ thu được từ tên của ngọn núi
Sapo, cũng là từ chỉ xà phòng trong một số ngôn ngữ trên thế giới.
Mặc dù xà phòng đã được sản xuất từ thời La Mã xa xưa, nhưng nó chủ
yếu được dùng cho việc giặt quần áo. Cũng như với người Hy Lạp cổ đại,