cũng như các cộng đồng ven biển ở Thổ Nhĩ Kỳ với tên gọi giống hệt hoặc
tương tự.
Ngày nay, thông qua ngành du lịch, muối vẫn là nguồn mang lại sự giàu
có cho một số thị trấn muối cổ xưa. Ở Salzburg, Austria, các mỏ muối là
những điểm du lịch hấp dẫn, cũng như tại Wieliczka, gần thành phố
Cracow ở Ba Lan, trong một hang động khổng lồ tạo thành từ việc khai
thác muối, một phòng khiêu vũ, một nhà nguyện với bàn thờ, các bức
tượng mang màu sắc tôn giáo được chạm khắc từ muối, và một hồ nước
ngầm vẫn đang hấp dẫn hàng ngàn khách tham quan. Lòng chảo muối lớn
nhất trên thế giới là Salar de Uyuni ở Bolivia, nơi đây du khách có thể đặt
phòng ở một khách sạn làm hoàn toàn từ muối ngay gần lòng chảo!
Buôn bán muối
Trong những nền văn minh xa xưa, muối đã được các tài liệu cổ ghi nhận
là một món hàng buôn bán. Người Ai Cập cổ đại đã buôn bán muối như
một chất liệu thiết yếu trong quá trình ướp xác. Sử gia Hy Lạp Herodotus
đã ghi lại chuyến thăm một mỏ muối tại sa mạc Libya vào năm 425 TCN.
Từ cánh đồng muối khổng lồ ở Danakil, Ethiopia, muối được bán cho
những người La Mã và Ả Rập, và được xuất khẩu đến tận Ấn Độ xa xôi.
Người La Mã đã thành lập một ruộng muối ven biển rất lớn tại Ostia, nằm
gần cửa sông Tiber, và vào khoảng năm 600 TCN, họ đã xây một con
đường mang tên Via Salaria để vận chuyển muối từ bờ biển về thành Rome.
Một trong những đại lộ chính tại thành Rome hiện đại vẫn được biết đến
với tên gọi Via Salaria: Con đường Muối. Nhiều khu rừng đã bị đốn hạ để
cung cấp gỗ đốt cho ruộng muối tại Ostia, đất bị xói mòn và bị rửa trôi vào
sông Tiber làm tăng lượng trầm tích của con sông này, dẫn đến sự mở rộng
đáng kể của vùng châu thổ tại cửa sông. Trải qua nhiều thế kỷ, Ostia không
còn là một thành phố ven biển nữa, và những ruộng muối đã phải dời ra
vùng ven biển mới hình thành. Đây có lẽ là ví dụ đầu tiên mô tả ảnh hưởng
của các hoạt động công nghiệp lên môi trường.