châu Phi và châu Âu. Cả những người châu Âu và nô lệ châu Phi đều là
nguồn truyền bệnh. Cho đến giữa thế kỷ 16, việc buôn bán nô lệ đến châu
Mỹ từ Tây Phi, nơi dịch sốt rét đang hoành hành, đã được thiết lập khá ổn
định. Vào thập niên 1630, khi bá tước phu nhân vùng Chinchón nhiễm sốt
rét tại Peru, nhiều thế hệ người Tây Phi và châu Âu, mang sẵn trong mình
ký sinh trùng sốt rét, đã trở thành nguồn lan truyền bệnh khổng lồ chỉ chờ
thời cơ để phát tán trên khắp Tân Thế giới.
Thông tin vỏ cây quina có thể chữa được bệnh sốt rét nhanh chóng
truyền đến châu Âu. Năm 1633, cha Antonio de la Calaucha đã ghi chép lại
những tính chất tuyệt vời của vỏ “cây sốt”, và những tu sĩ dòng Tên khác
tại Peru bắt đầu dùng vỏ cây quina để chữa và phòng ngừa bệnh sốt rét.
Trong những năm 1640, cha Bartolomé Tafur đã mang một ít vỏ cây về
Rome, và những tính chất kỳ diệu của chúng được phổ biến rộng rãi trong
giới tăng lữ. Hội nghị hồng y năm 1655 trở thành hội nghị đầu tiên không
có trường hợp tử vong vì sốt rét. Các tu sĩ dòng Tên nhanh chóng nhập
khẩu một lượng lớn vỏ cây và bán trên khắp châu Âu. Bất chấp danh tiếng
bao trùm khắp các quốc gia châu Âu, loại “bột dòng Tên” này lại không hề
phổ biến tại vương quốc Anh Tin Lành. Oliver Cromwell, Hộ quốc công tại
nước Anh, đã từ chối điều trị theo phương thuốc của người Thiên Chúa
giáo La Mã, và qua đời vì sốt rét vào năm 1658.
Vào năm 1670, một phương thuốc chữa sốt rét khác đã trở nên thịnh
hành khi Robert Taibor, một bác sĩ kiêm nhà bào chế thuốc của London, lên
tiếng cảnh báo dân chúng về những mối nguy đồng hành cùng bột dòng
Tên và bắt đầu quảng bá phương thuốc bí mật của chính mình. Phương
thuốc của Taibor được hoàng gia của cả hai nước Anh và Pháp sử dụng;
nhờ vào phương thuốc diệu kỳ này mà cả vua nước Anh, Charles II, và
hoàng tử nước Pháp, con của Louis XIV, đã sống sót sau những con vật lộn
kinh khiếp với bệnh sốt rét. Mãi đến sau khi Taibor qua đời, thành phần bí
ẩn trong đon thuốc của ông mới được giải mã; nó chính là vỏ cây cinchona,
hoàn toàn tương đồng với bột dòng Tên. Sự lừa dối của Taibor, ắt hẳn đã
khiến ông vô cùng giàu có - có lẽ là động lực chính của ông - đã cứu được