lửa bếp sẽ bị dập ngay lập tức cho đến khi cơn bão qua đi. Sẽ không thể
nấu nướng trong nhiều ngày liên tục. Không thể đun sôi thịt muối trong
nhiều giờ, một việc làm cần thiết để giảm độ mặn và bớt dai, cũng không
thể ngâm bánh quy khô trong món hầm hoặc nước dùng nóng để ít ra khiến
chúng dễ ăn hơn.
Khi bắt đầu chuyến đi, những thực phẩm sau sẽ được mang lên tàu: bơ,
phô mai, giấm, bánh mì, đậu khô, bia và rượu rum. Bơ sẽ nhanh chóng bị
ôi, bánh mì lên mốc, các loại đậu khô bị mọt, phô mai cứng dần và bia sẽ
chua. Không loại nào trong những thực phẩm này cung cấp vitamin C, do
đó, các triệu chứng của bệnh scurvy xuất hiện rõ ràng chỉ khoảng sáu tuần
ngắn ngủi sau khi khởi hành. Có đáng ngạc nhiên chăng khi hải quân của
các quốc gia châu Âu đã phải nhờ cậy giới đầu gấu làm công việc quản lý
nhân sự trên những chiếc tàu của họ?
Thiệt hại do bệnh scurvy gây ra đối với sinh mạng và sức khỏe của các
thủy thủ đã được ghi nhận trong nhật ký của những chuyến hải trình đầu
tiên. Vào thời điểm nhà thám hiểm Bồ Đào Nha Vasco da Gamma giương
buồm vòng quanh mũi cực Nam của châu Phi vào năm 1497, 100 trong số
160 thành viên thủy thủ đoàn của ông đã thiệt mạng vì bệnh scurvy. Cũng
có những báo cáo về việc phát hiện những chiếc tàu trôi dạt trên biển cả với
toàn bộ thủy thủ đoàn đã bỏ mạng vì bệnh này. Ước tính rằng trong nhiều
thế kỷ, bệnh scurvy chịu trách nhiệm cho nhiều cái chết trên biển hơn tất cả
những nguyên nhân khác, nhiều hơn cả tổng số lượng các ca tử vong từ
những trận thủy chiến, do hải tặc, đắm tàu và các bệnh khác gây ra.
Thật đáng kinh ngạc khi biết rằng những biện pháp phòng ngừa và ngăn
chặn bệnh scurvy, mặc dù đã được biết đến trong thời kỳ này, nhưng lại
hoàn toàn bị phớt lờ. Ngay từ thế kỷ 5, người Trung Quốc đã trồng cây
gừng tươi trong những chậu đất trên thuyền của họ. Ý tưởng trái cây và rau
củ tươi có thể giảm đi những triệu chứng của bệnh scurvy ắt hẳn đã được
các quốc gia vùng Đông Nam Á có quan hệ thương mại với các tàu buôn
Trung Quốc biết đến. Ý tưởng này đã đến tai người Hà Lan và thông qua
họ, được truyền lại cho cả châu Âu, bởi vào năm 1601, đội tàu buôn đầu