tạo được, do vậy khả năng sử dụng chúng như nguồn nguyên liệu rẻ và sẵn
có để tạo ra các sản phẩm mới từ lâu đã là mối quan tâm của các nhà hóa
học và các nhà sáng lập doanh nghiệp.
Vào thập niên 1830, các nhà hóa học đã phát hiện ra cellulose có thể hòa
tan trong nitric acid đậm đặc và dung dịch thu được khi đổ vào nước sẽ tạo
thành một hóa chất dạng bột màu trắng có khả năng cháy nổ rất cao. Việc
thương mại hóa hóa chất này phải chờ đến tận năm 1845 với phát minh của
Friedrich Schönbein, một nhà hóa học Thụy Sĩ ở Basel. Schönbein đã làm
những thí nghiệm với hỗn hợp nitric acid và sulfuric acid tại phòng bếp
trong căn nhà của mình, mặc dù vợ ông không đồng ý việc này và cũng dễ
hiểu khi bà ngăn cấm ông sử dụng nhà của họ làm phòng thí nghiệm. Trong
một ngày đặc biệt, khi vợ ông vắng nhà, Schönbein vô tình làm đổ một ít
hỗn hợp acid. Trong lúc vội vàng lau sạch hỗn hợp acid này, ông vớ lấy đồ
vật đầu tiên trong tầm tay - chiếc tạp dề bằng vải bông của vợ. Ông dùng
nó để dọn sạch hỗn hợp acid vừa bị đổ ra ngoài, sau đó ông phơi chiếc tạp
dề đã bị ướt lên phía trên lò sưởi. Không lâu sau đó, với một tiếng nổ cực
lớn cùng ánh lửa chói mắt, chiếc tạp dề bốc cháy. Chúng ta không biết được
phản ứng của vợ ông sau khi trở về nhà và biết rằng Schönbein vẫn lén lút
làm thí nghiệm với hỗn hợp nitric acid trong bếp. Điều được ghi lại chỉ là
Schönbein đã đặt tên cho hợp chất của ông: schiessbaumwolle, hay là bông
thuốc súng. Bông chứa 90% là cellulose, và giờ đây chúng ta biết rằng
bông thuốc súng của Schönbein chính là nitrocellulose, một hợp chất tạo
thành khi nhóm nitro (NO
₂) thay thế nguyên tử H trong nhóm OH tại một
số vị trí trong phân tử cellulose. Không cần phải nitrate hóa toàn bộ các vị
trí, nhưng sự thay thế này xảy ra càng nhiều thì bông thuốc súng càng có
khả năng nổ mạnh hơn.