Flyorov đã phải chứng kiến nhiều điều tồi tệ xảy ra với đồng nghiệp của
mình, trong đó có 650 nhà khoa học làm việc tập trung cho Viện Hàn lâm
Khoa học Quốc gia. Năm 1942 (khi mới 29 tuổi), với niềm đam mê khoa
học và tài năng của mình, ông biết rằng chính trị là hy vọng tiến thân duy
nhất. Và lá thư của ông đã tỏ ra hiệu quả. Năm 1957, giới chức Liên Xô đã
giao cho Flyorov một phòng thí nghiệm riêng. Đó là cơ sở tại thành phố
Dubna (cách Moscow 132 km), thoát khỏi sự can thiệp của nhà nước.
Ở Dubna, Flyorov đã sáng suốt tập trung vào nghiên cứu khoa học đặc thù
với những chủ đề khó hiểu với người ngoại đạo và không gây khó chịu cho
các nhà tư tưởng có suy nghĩ hẹp hòi. Đến thập niên 1960, nhờ phòng thí
nghiệm Berkeley, việc tìm kiếm nguyên tố mới đã hoàn toàn lột xác. Trước
đây, giới khoa học phải tự tay đào và xử lý quặng để xem trong đó có
nguyên tố mới nào “tồn tại” hay không (chúng sẽ xuất hiện trên máy dò
phóng xạ được nối với máy tính hoặc chuông báo cháy). Ngay cả việc bắn
hạt alpha vào nguyên tố nặng để tạo ra nguyên tố mới cũng không còn thiết
thực nữa, vì các nguyên tố nặng không tồn tại đủ lâu để làm bia bắn.
Thay vào đó, giới khoa học nghiên cứu sâu hơn và cố gắng hợp hạch các
nguyên tố nhẹ hơn với nhau. Về lý thuyết, các dự án này chỉ đơn thuần là số
học. Bạn có thể hợp hạch magie (12) với thori (90) hoặc vanadi (23) với
vàng (79) để tạo ra nguyên tố thứ 102. Nhưng chỉ có vài phản ứng kiểu này
thực sự hiệu quả, nên các nhà khoa học phải đầu tư rất nhiều thời gian tính
toán để xác định cặp nguyên tố đáng để đầu tư tài chính và công sức.
Flyorov cùng đồng nghiệp miệt mài nghiên cứu và sao chép các kỹ thuật của
phòng thí nghiệm Berkeley. Nhờ vào phần lớn công sức của ông, tới cuối
những năm 1950, Liên Xô không còn là một nước đi sau trong vật lý nữa.
Tuy Seaborg, Ghiorso và Berkeley đã đánh bại người Nga với các nguyên tố
thứ 101, 102 và 103, nhưng vào năm 1964 – bảy năm sau khi các vệ tinh
Sputnik được phóng lên – nhóm Dubna tuyên bố họ là người đầu tiên tạo ra
nguyên tố thứ 104.