Năm 1828, một nhà hóa học người Đức tuyên bố phát hiện ra nguyên tố mới
“polini” và “plurani”, và cho rằng một trong hai là nguyên tố thứ 43. Cả hai
hóa ra lại là iridi không tinh khiết. Năm 1846, một người Đức khác phát hiện
ra “ilmeni” (thực ra là niobi). Một năm sau, một người khác phát hiện ra
“pelopi” (vẫn là niobi). Các môn đồ của nguyên tố thứ 43 cuối cùng cũng
nhận được tin tốt vào năm 1869, khi Mendeleev xây dựng bảng tuần hoàn
của mình và để lại một ô trống trêu ngươi giữa nguyên tố 42 và 44. Dù có
giá trị khoa học rất lớn nhưng công trình này của Mendeleev lại khuyến
khích rất nhiều ý tưởng sai lầm, vì nó thuyết phục mọi người tìm kiếm thứ
mà họ muốn thấy. Tám năm sau, một người Nga đồng hương với ông đã
điền “davyi” vào ô thứ 43 trên bảng tuần hoàn, dù nó nặng hơn dự đoán tới
50% và sau đó được xác định là hỗn hợp của ba nguyên tố. Nguyên tố cuối
cùng của thế kỷ 19 là “luci” (được phát hiện năm 1896) cũng bị loại bỏ vì đó
là thực ra là ytri.
Thế kỷ 20 còn tàn khốc hơn nữa. Năm 1909, Masataka Ogawa phát hiện ra
“nipponi” và đặt theo tên đất nước mình (“Nippon” nghĩa là “Nhật Bản”
trong tiếng Nhật). Tất cả các nguyên tố 43 được phát hiện sai trước đó đều là
mẫu nhiễm tạp chất hoặc nguyên tố vi lượng được phát hiện trước đó.
Ogawa đã thực sự phát hiện ra một nguyên tố mới, dù nó không phải là
nguyên tố mà ông tuyên bố. Vì vội vã muốn có được nguyên tố thứ 43 mà
ông đã bỏ qua những ô trống khác trong bảng tuần hoàn, rồi phải muối mặt
rút lại kết quả khi không có ai chứng thực được. Đến năm 2004, một người
đồng hương kiểm tra lại dữ liệu của Ogawa và xác nhận ông đã phân lập
được nguyên tố thứ 75: reni (reni chưa được phát hiện vào thời điểm mà
Ogawa đưa ra tuyên bố của mình) mà không hề hay biết. Ogawa dưới suối
vàng có biết hẳn sẽ mãn nguyện khi biết mình thực sự đã phát hiện ra một
nguyên tố mới, hoặc sẽ còn đau khổ hơn về sai lầm của bản thân. Điều này
tùy vào cách nhìn nhận của mỗi người, giống như câu chuyện về cốc nước
đầy một nửa hay vơi một nửa vậy.