nguyên tử của nhiều nguyên tố chỉ tồn tại dưới dạng ion tích điện. Thật vậy,
theo các định luật mà chính Pauling đã góp phần đưa ra, nguyên tử photpho
tồn tại trong ADN dưới dạng các nhóm photphat tích điện âm và luôn đẩy
nhau. Ông không thể gói ba nhóm photphat vào lõi ADN mà không làm vỡ
tung thứ chết tiệt đó.
Học viên nọ đã giải thích điều này, và chính Pauling đã lịch sự lờ đi một
cách “rất Pauling”. Không rõ vì sao Pauling lại nhờ người kiểm tra các tính
toán của bản thân nếu không muốn lắng nghe ý kiến từ người đó về công
trình của mình, nhưng lý do ông phớt lờ cậu học viên thì rất rõ ràng. Ông
muốn có được sự độc tôn trong khoa học, muốn mọi ý tưởng khác về ADN
đều được coi là sự sao chép ý tưởng của mình. Vì vậy, trái ngược với sự tỉ
mỉ thông thường, Pauling cho rằng các chi tiết của phân tử ADN sẽ tự ăn
khớp với nhau và vội vã công bố mô hình ADN gồm ba chuỗi xoắn của
mình vào đầu năm 1953.
Trong khi đó, bên kia Đại Tây Dương, hai học viên sau đại học tại Đại học
Cambridge đã nghiên cứu kỹ lưỡng bài báo của Pauling. Peter (con trai
Linus Pauling) làm cùng phòng thí nghiệm với James Watson, Francis
Crick* và đã lịch sự cung cấp bài báo cho họ. Các học viên vô danh này
khao khát tạo dựng sự nghiệp bằng cách giải quyết bài toán về ADN. Và bài
báo của Pauling khiến họ điếng người: họ từng xây dựng một mô hình tương
tự một năm trước đó, và xấu hổ gạt đi khi một đồng nghiệp chỉ ra rằng ý
tưởng về chuỗi xoắn ba thật vớ vẩn.
Trong lúc bị khiển trách nặng nề, họ đã được người đồng nghiệp Rosalind
Franklin tiết lộ cho một bí mật. Franklin chuyên về tinh thể học tia X – kỹ
thuật cho biết hình dạng của phân tử. Đầu năm đó, bà đã kiểm tra ADN còn
ướt từ tinh trùng mực và tính toán rằng ADN gồm hai mạch. Khi còn học ở
Đức, Pauling cũng nghiên cứu về tinh thể học, và hẳn ông sẽ giải được bài
toán ADN ngay lập tức nếu có dữ liệu tốt như của Franklin. (Chính dữ liệu
ADN đã khô của ông cũng được phân tích bằng tinh thể học tia X.) Là một
người không biết kiêng dè, Pauling đã bị những người theo chủ nghĩa