Chương 9
Hành lang độc: “Itai-Itai”
Các quy tắc sinh học tinh vi hơn quy tắc hóa học rất nhiều, và không ai thấm
thía điều này hơn Pauling. Bạn có thể “chặt chém” các amino axit bằng
phương pháp hóa học, nhưng dù có bị kích động đôi chút thì cuối cùng
chúng vẫn sẽ không mảy may xây xát. Các protein mỏng manh và phức tạp
hơn trong sinh vật sống có thể suy yếu dưới tác động của nhiệt, axit hoặc tệ
nhất là các nguyên tố bất hảo. Những nguyên tố “lưu manh” nhất thường
núp dưới vỏ bọc là các khoáng chất và vi chất dinh dưỡng cần thiết cho sự
sống để có thể khai thác bất kỳ tổn thương nào trong tế bào sống. Và những
câu chuyện về sự ảnh hưởng của những kẻ thuộc “hành lang độc” này tới sự
sống sẽ hé lộ một trong các mảng tối của bảng tuần hoàn.
Nguyên tố nhẹ nhất trong “hành lang độc” này là cadimi, vang danh từ một
mỏ cổ miền trung Nhật Bản. Những người thợ mỏ bắt đầu đào kim loại quý
từ khu mỏ Kamioka vào năm 710. Trong nhiều thế kỷ sau đó, những ngọn
núi của Kamioka mang lại rất nhiều tài nguyên: vàng, chì, bạc và đồng nên
trở thành khu vực tranh chấp của nhiều tướng quân và ông trùm kinh doanh.
Nhưng mãi 1.200 năm sau, những tiếng kêu “Itai-itai!” (“úi” trong tiếng
Nhật) của những người thợ khi xử lý mỏ cadimi đầu tiên mới khiến khu vực
này trở nên khét tiếng.
Chiến tranh Nga-Nhật năm 1904-1905 và Thế Chiến I một thập kỷ sau đó đã
khiến nhu cầu kim loại của Nhật Bản tăng đáng kể (gồm cả kẽm để chế tạo
áo giáp, máy bay và đạn dược). Cadimi nằm ngay dưới kẽm trên bảng tuần
hoàn; và trong vỏ Trái Đất, hai kim loại này hòa vào nhau một cách hỗn độn
khiến ta không thể phân biệt được. Để tinh chế kẽm trong quặng ở Kamioka,