điểm đó. Các nhà khoa học thường né tránh và vờ coi đây là các hiệu ứng
như ma sát bằng không, nhưng cũng chỉ để đơn giản hóa các tính toán. Ngay
cả Plato hẳn cũng không ngờ được rằng sẽ có người thực sự tìm ra một trong
những dạng lý tưởng của mình.
Heli cũng là ví dụ điển hình nhất về “tính nguyên tố” – một chất không thể
bị phá hủy hay thay đổi bằng các phương tiện hóa học thông thường. Phải
mất 2.200 năm (từ Hy Lạp năm 400 TCN đến châu Âu năm 1800), giới khoa
học mới thực sự hiểu được các nguyên tố, bởi hầu hết chúng quá dễ thay
đổi. Thật khó để nhận ra điều gì đã khiến cacbon là cacbon khi nó xuất hiện
trong hàng ngàn hợp chất, mà mỗi hợp chất đều có tính chất khác nhau.
Ngày nay, chúng ta nói cacbon dioxit không phải là nguyên tố, vì phân tử
này gồm cacbon và oxy. Nhưng cacbon và oxy là các nguyên tố vì bạn
không thể phân chia chúng nhỏ hơn nữa mà không phá hủy chúng. Quay lại
chủ đề trong Yến hội và học thuyết khao khát tình ái của Plato về nửa còn
thiếu, ta thấy hầu hết nguyên tử của mọi nguyên tố đều tìm kiếm các nguyên
tử khác để hình thành liên kết, nhằm che giấu bản chất thực của mình. Ngay
cả các nguyên tố “tinh khiết” nhất cũng luôn xuất hiện dưới dạng phân tử
trong tự nhiên, như phân tử oxy trong không khí (O
2
). Nếu biết về heli – vốn
chỉ tồn tại dưới dạng tinh khiết*, chưa bao giờ phản ứng với chất khác – có
lẽ các nhà khoa học đã hiểu về nguyên tố sớm hơn.
Heli “hành xử” như vậy là có lý do của nó. Tất cả các nguyên tử đều chứa
electron mang điện âm tại các lớp (hay mức năng lượng) khác nhau trong
nguyên tử. Các mức năng lượng được lồng đồng tâm, và mỗi mức cần một
lượng electron nhất định để tự lấp đầy và trở nên bền vững. Ở mức trong
cùng, con số này là hai electron. Các mức năng lượng khác thường có tám
electron. Các nguyên tố thường có số electron mang điện âm bằng số proton
mang điện dương, nên chúng trung hòa về điện. Tuy nhiên, electron có thể
được trao đổi tự do giữa các nguyên tử: khi nguyên tử bị mất hoặc nhận
thêm electron, chúng tạo thành các nguyên tử tích điện gọi là ion.