Chương 15
Những nguyên tố dấy lên sự điên rồ
Robert Lowell đại diện cho mẫu nghệ sĩ điên khùng, nhưng trong cộng đồng
vẫn còn một dạng người với tâm lý bất thường nữa: nhà khoa học điên. Các
nhà khoa học điên của bảng tuần hoàn ít gào rú với công luận hơn các nghệ
sĩ điên và thường cũng không có đời tư “tai tiếng” lắm. Tâm lý của họ khó
thấy hơn, và những sai lầm của họ là điển hình cho một loại bệnh thần kinh
kỳ lạ gọi là “khoa học ảo tưởng”*. Và cũng thật tò mò rằng sự điên rồ đó lại
có thể tồn tại song song với sự sáng suốt trong cùng một tâm trí.
Không giống hầu như toàn bộ giới khoa học trong cuốn sách này, William
Crookes – sinh năm 1832, con trai của một thợ may ở London – chưa từng
nghiên cứu tại trường đại học. Là anh cả của 15 đứa em (bản thân ông sau
này cũng có tới 10 đứa con), ông nuôi gia đình đông đúc bằng cách viết
cuốn sách nổi tiếng về kim cương và biên tập cho tạp chí tin tức khoa học
“lá cải” Chemical News. Thế nhưng Crookes – đeo kính, râu ria xồm xoàm –
đã có những nghiên cứu khoa học đẳng cấp thế giới về các nguyên tố như
selen và tali. Ông được bầu vào Hội Hoàng gia – câu lạc bộ khoa học hàng
đầu nước Anh – khi mới 31 tuổi. Một thập kỷ sau, ông suýt thì bị đuổi ra
khỏi Hội.
Ông bắt đầu tuột dốc vào năm 1867, khi em trai Philip bỏ mạng trên biển.*
Tuy – hoặc có lẽ chính vì – gia đình quá đông anh em nên William cùng
những người khác gần như phát điên vì đau buồn. Thời bấy giờ, Thuyết
thông linh
1
du nhập từ Mỹ đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến giới quý tộc và dân
buôn trên khắp nước Anh. Ngay cả Arthur Conan Doyle (cha đẻ của nhân
vật thám tử Sherlock Holmes) siêu duy lý cũng phải nhường một chỗ để xác