thành như vậy qua những “thí nghiệm” cẩn thận của ông và sự gọt giũa
mang tính khoa học mà ông đưa ra.
Và trên thực tế, khoa học ảo tưởng không phải lúc nào cũng nảy sinh từ các
lĩnh vực bên lề. Nó cũng phát triển mạnh trong các lĩnh vực chính thống
nhưng mang tính phỏng đoán, chỉ có rất ít dữ liệu và bằng chứng rất khó
diễn giải. Ví dụ điển hình là phân ngành liên quan đến việc tái tạo khủng
long và các sinh vật tuyệt chủng khác của cổ sinh vật học.
Trên một số phương diện, chúng ta hầu như chẳng biết gì về các sinh vật đã
tuyệt chủng: một bộ xương hoàn chỉnh đã hiếm, dấu vết các mô mềm lại
càng hiếm hơn. Có một câu nói đùa của những người tái tạo động vật tiền sử
là: nếu loài voi cũng đã tuyệt chủng từ trước, thì bất cứ ai đào được bộ
xương voi ma mút ngày nay sẽ hình dung ra một con chuột hamster khổng
lồ có ngà chứ không phải là một loài thú lông lá da dày và có vòi. Chúng ta
cũng chỉ biết rất ít về các đặc điểm của các loài động vật khác: vằn, dáng đi,
môi, bụng, mõm, diều, dạ cỏ hay bướu; còn chưa kể đến lông mày, mông,
móng guốc, má, lưỡi và vú. Tuy nhiên, bằng cách so sánh các rãnh và vết
lõm trên xương hóa thạch với xương của các sinh vật hiện đại, người trong
ngành có thể hình dung ra cơ bắp, kích thước, dáng đi, răng, thậm chí cả tập
tính giao phối của các loài tuyệt chủng. Các nhà cổ sinh vật học chỉ cần thật
cẩn thận, tránh ngoại suy quá xa.
Khoa học ảo tưởng sẽ lợi dụng sự thận trọng đó. Về cơ bản, các tín đồ của
nó sử dụng chính sự mơ hồ về bằng chứng làm bằng chứng cho mình. Họ
cho rằng các nhà khoa học không thể biết tuốt, nên vẫn có chỗ cho lý thuyết
riêng của bản thân mình. Đó chính là những gì đã xảy ra với nguyên tố
mangan và megalodon.*
Câu chuyện bắt đầu năm 1873, khi tàu nghiên cứu HMS Challenger khởi
hành từ Anh để khám phá Thái Bình Dương. Rất thô sơ, thủy thủ đoàn đã
quăng xuống biển hàng loạt xô khổng lồ gắn với sợi thừng dài gần 5 km để
vét đáy đại dương. Ngoài các loài cá và sinh vật chưa từng thấy trước đây,