sổ ghi chép phòng thí nghiệm thì ngài Huân tước đã phác thảo nghiên cứu về
bong bóng trong một buổi sáng nằm chổng kềnh trên giường, và đó cũng chỉ
là một đoạn phác thảo ngắn. Tuy nhiên, vẫn có những câu chuyện thú vị về
ông già râu bạc thời Victoria này lội qua lội lại bể chứa dung dịch glycerin
và một chiếc giường lò xo để tạo ra một đám bong bóng lồng chặt vào nhau.
Đám “bong bóng vuông” này gợi nhớ đến cậu bé Rerun trong truyện biếm
họa Peanuts, bởi chiếc giường mini có năm lò xo con hình hộp chữ nhật.
Thêm vào đó, công trình của Huân tước Kelvin đã mang đến động lực và
cảm hứng cho khoa học thực sự sau này. Nhà sinh vật học D’Arcy
Wentworth Thompson đã áp dụng các định lý của ngài Huân tước về sự hình
thành bong bóng để nghiên cứu sự phát triển tế bào trong cuốn sách năm
1917 là On Growth and Form (tạm dịch: Tăng trưởng và thành hình) – cuốn
sách từng được coi là “tác phẩm hay nhất trong mọi biên niên sử khoa học
bằng tiếng Anh”. Lĩnh vực sinh học tế bào hiện đại bắt đầu từ đây. Hơn nữa,
các nghiên cứu sinh hóa gần đây hé lộ rằng bong bóng cũng chính là yếu tố
hiệu quả của sự sống. Các phân tử hữu cơ phức tạp đầu tiên có thể không
hình thành từ đại dương như thường nghĩ, mà ở trong các bong bóng nước bị
kẹt trong dải băng kiểu vùng cực. Nước khá nặng và khi đóng băng, nó nén
các “tạp chất” hòa tan (như phân tử hữu cơ) lại với nhau trong bong bóng.
Nồng độ và áp suất trong bong bóng có thể đủ mạnh để hợp nhất các phân tử
đó thành các phân tử có khả năng tự sao chép. Vì thấy hay ho, thiên nhiên đã
sao chép mô hình bong bóng này kể từ đó. Dù phân tử hữu cơ đầu tiên có
nguồn gốc thế nào (trong băng hay đại dương), các tế bào thô đầu tiên chắc
chắn có dạng bong bóng bao lấy protein, ARN hay ADN để bảo vệ chúng
khỏi bị cuốn trôi hoặc xói mòn. Ngay cả ngày nay, bốn tỷ năm sau, các tế
bào vẫn có dạng bong bóng căn bản.
Các nghiên cứu của Huân tước Kelvin cũng truyền cảm hứng cho khoa học
quân sự. Trong Thế Chiến I, Nam tước Rayleigh đệ tam John William Strutt
đảm nhiệm việc giải quyết vấn đề thời chiến cấp bách rằng tại sao chân vịt
tàu ngầm rất dễ hỏng, ngay cả khi phần còn lại của thân tàu vẫn nguyên vẹn.