một ngày nào đó, các nhà siêu hóa học thực sự tạo ra được un·tri·octi
(nguyên tố giả thuyết nằm ở ô 138), liệu các electron ở các lớp trong có thể
du hành thời gian mà phần còn lại của nguyên tử không đổi? Có lẽ là không.
Có lẽ tốc độ ánh sáng đơn giản là đã đeo “vòng kim cô” cho kích thước của
các nguyên tử, và sẽ xóa sổ triệt để các hòn đảo bền huyền ảo giống như các
vụ thử bom nguyên tử đã làm với đảo san hô vòng vào những năm 1950.
Vậy điều đó nghĩa là bảng tuần hoàn sẽ sớm không còn hoạt động nữa? Cố
định và trở thành hóa thạch?
Không, không, và chắc chắn không.
Nếu người ngoài hành tinh từng hạ cánh ở đây thì không có gì đảm bảo
chúng ta có thể giao tiếp với họ (một điều rất hiển nhiên là họ sẽ không dùng
ngôn ngữ của Trái Đất). Họ có thể dùng pheromone hay xung ánh sáng thay
vì âm thanh; họ còn có thể độc hại với chúng ta nếu không được cấu thành
từ cacbon (cơ hội này rất mong manh). Ngay cả khi ta đột nhập được vào
tâm trí họ, mối quan tâm hàng đầu của người Trái Đất – tình yêu, thần thánh,
sự tôn trọng, gia đình, tiền bạc, hòa bình – cũng có thể không tồn tại với họ.
Điều duy nhất ta có thể đưa ra và chắc chắn rằng họ sẽ nắm bắt được chính
là những con số như π và bảng tuần hoàn.
Tất nhiên đó phải là các tính chất của bảng tuần hoàn, vì hình thái hiện nay
của bảng tuần hoàn (như tòa lâu đài có tháp canh) – xuất hiện ở mặt sau mỗi
cuốn sách hóa học – chỉ là một trong những sự sắp xếp khả dĩ. Ông bà chúng
ta lớn lên với một bảng tuần hoàn hoàn toàn khác. Có bảng chỉ có tám cột,
trông như một tờ lịch tháng với các kim loại chuyển tiếp bị đưa vào các ô
tam giác (vốn được chia từ hình chữ nhật ban đầu), giống như các ngày 30
và 31 thừa ra trong tờ lịch tháng. Thậm chí một số người còn đẩy các
nguyên tố họ lantan vào phần chính của bảng, tạo ra một mớ hỗn độn.
Không ai nghĩ đến việc dành thêm chỗ cho kim loại chuyển tiếp cho đến khi
Glenn Seaborg và đồng nghiệp tại Đại học California ở Berkeley (vâng, vẫn