Công trình của Bunsen đã giúp bảng tuần hoàn phát triển nhanh chóng. Mặc
dù ông phản đối ý tưởng phân loại các nguyên tố theo quang phổ nhưng các
nhà khoa học khác lại không lo được nhiều tới vậy, và máy quang phổ lập
tức xác định được các nguyên tố mới. Quan trọng không kém, nó giúp sàng
lọc mạo nhận nhờ tìm ra nguyên tố cũ ngụy trang trong những chất chưa
biết. Cách nhận dạng nguyên tố đáng tin cậy này đã giúp các nhà hóa học
tiến được một bước dài trên chặng đường hướng tới mục tiêu tối thượng là
hiểu rõ các chất hơn. Tuy nhiên, ngoài việc tìm kiếm nguyên tố mới, các nhà
khoa học cần sắp xếp chúng thành một loại cây phả hệ. Ở đây, chúng ta sẽ
đến với một đóng góp to lớn khác của Bunsen cho bảng tuần hoàn: góp công
kiến tạo một triều đại khoa học tại Heidelberg, nơi ông hướng dẫn một số
nhà khoa học đã tiến hành những nghiên cứu đầu tiên về định luật tuần hoàn.
Trong số đó có cả nhân vật thứ hai của câu chuyện này: Dmitri Mendeleev,
người thường được ca ngợi vì tạo ra bảng tuần hoàn đầu tiên.
Thật ra, cũng như Bunsen và đèn đốt mang tên ông, Mendeleev không tự tạo
ra bảng tuần hoàn đầu tiên. Đã có sáu người độc lập phát minh ra nó, và tất
cả đều dựa trên “sự tương đồng hóa học” mà các nhà hóa học đi trước ghi
lại. Mendeleev bắt đầu với một ý tưởng sơ bộ về cách tổ chức các nguyên tố
có tính chất tương tự thành từng nhóm nhỏ, rồi rút ra định luật khoa học từ
những nhóm trong hệ thống tuần hoàn này (như cách Homer biến những
mẩu chuyện rời rạc trong thần thoại Hy Lạp thành sử thi Odyssey). Khoa
học cũng cần những vị anh hùng như bất kỳ lĩnh vực nào khác, và
Mendeleev trở thành nhân vật chính trong câu chuyện về bảng tuần hoàn
nhờ một số lý do sau đây.
Thứ nhất là ông có một tiểu sử u buồn. Sinh ra ở Siberi và là con út trong gia
đình có mười bốn anh chị em, Mendeleev mồ côi cha năm 1847 khi mới
mười ba tuổi. Lúc ấy, để có tiền trang trải cho gia đình, mẹ ông đã dũng cảm
tiếp quản một nhà máy thủy tinh địa phương và quản lý các thợ thủ công
nam. Rồi nhà máy bị thiêu rụi. Gửi gắm toàn bộ hy vọng vào cậu con trai
thông tuệ, bà kèm Dmitri trên lưng ngựa và băng qua gần 2.000 km thảo