nghiêm nghị trả lời: “Ta thừa nhận Mendeleev có hai vợ, nhưng ta chỉ có
một Mendeleev mà thôi”. Tuy vậy, sự kiên nhẫn của Sa Hoàng cũng có giới
hạn. Năm 1890, Mendeleev (vốn theo chủ nghĩa vô chính phủ) đã bị phế học
hàm vì đồng tình với các nhóm sinh viên cánh tả bạo lực.
Thật dễ hiểu tại sao giới sử học và khoa học lại quan tâm tới đời tư của
Mendeleev. Tất nhiên ngày nay sẽ chẳng ai nhớ đến tiểu sử của ông nếu ông
không phải là người tạo nên bảng tuần hoàn. Công trình của Mendeleev có
thể sánh ngang Thuyết Tiến hóa của Darwin và Thuyết Tương đối của
Einstein. Tuy không ai trong ba người tự làm tất cả, nhưng họ đã làm hầu
hết mọi việc và làm xuất sắc hơn bất kỳ ai. Họ nhận ra tầm ảnh hưởng lớn
lao của những hệ quả này và đã tìm ra hàng loạt bằng chứng hỗ trợ cho phát
hiện của mình. Tương tự Darwin, công trình của Mendeleev cũng khiến
nhiều người bất mãn. Việc Mendeleev tự ý đặt tên trước cho các nguyên tố
mà ông chưa bao giờ tìm ra bị cho là quá mức tự phụ. Điều đó khiến người
phát hiện ra “eka-nhôm” (cũng là học trò của Robert Bunsen) phẫn nộ; ông
cảm thấy chính mình mới xứng đáng được vinh danh và có quyền đặt tên,
chứ không phải một gã người Nga ngớ ngẩn.
Việc phát hiện eka-nhôm (nguyên tố gali ngày nay) đặt ra câu hỏi điều gì
thực sự thúc đẩy khoa học phát triển: lý thuyết (định hình cách con người
nhìn nhận thế giới) hay thực nghiệm (khi mà một thí nghiệm đơn giản nhất
cũng có thể phá hủy các lý thuyết thanh tao). Sau khi gây lộn với nhà lý
thuyết Mendeleev, nhà hóa học thực nghiệm tìm ra gali đã có câu trả lời
chắc chắn. Paul-Emile François Lecoq de Boisbaudran sinh năm 1838 trong
một gia đình có truyền thống làm rượu ở vùng Cognac nước Pháp. Sau khi
trưởng thành, người đàn ông điển trai với mái tóc bồng bềnh, bộ ria uốn
quăn và thích diện những chiếc cà vạt kiểu cách này đã chuyển đến Paris;
ông sử dụng máy quang phổ của Bunsen rất lão luyện và trở thành người
phân tích quang phổ xuất sắc nhất thế giới.
Lecoq de Boisbaudran xuất sắc đến mức sau khi phát hiện các dải màu chưa
từng thấy trong một mẫu khoáng vật năm 1875, ông lập tức kết luận rằng