mình đã phát hiện ra một nguyên tố mới (quả thật là vậy). Ông đặt tên nó là
gali (theo từ Gallia – tên Latin của nước Pháp). Nhiều kẻ đa nghi cáo buộc
rằng ông đã láu cá lấy tên mình đặt cho nguyên tố này, vì Lecoq (gà trống)
là gallus trong tiếng Latin. Vì muốn tận tay cầm và cảm nhận chiến lợi phẩm
mới của mình, Lecoq de Boisbaudran bắt đầu tinh chế một mẫu vật. Sau vài
năm mày mò, nhà khoa học người Pháp cuối cùng đã có một khối gali đẹp
và tinh khiết vào năm 1878. Dù ở thể rắn tại nhiệt độ phòng nhưng gali lại
tan chảy ở 29°C, nghĩa là nó sẽ tan chảy thành một chất lỏng sánh giống
thủy ngân nếu đặt trong lòng bàn tay (nhiệt độ cơ thể khoảng 37°C). Nó là
một trong số ít kim loại lỏng bạn có thể chạm vào mà các ngón tay không bị
bỏng đến tận xương. Từ đó, gali trở thành chủ đề chính của những câu đùa
cợt trong giới hóa học uyên bác – một bước tiến rõ ràng so với những câu
chuyện hài hước về đèn đốt Bunsen. Do gali dễ đúc và trông giống nhôm,
một trò đùa khá phổ biến là tạo ra thìa bằng gali, đem lên cùng với trà và
xem thực khách giật mình khi thấy trà Earl Grey “ăn” chiếc thìa.*
Tự hào về thứ kim loại biến hóa của mình, Lecoq de Boisbaudran đã công
bố những phát hiện về nó trên các tạp chí khoa học. Gali là nguyên tố mới
đầu tiên được phát hiện kể từ khi bảng tuần hoàn Mendeleev ra đời năm
1869; và khi đọc về công trình của Lecoq de Boisbaudran, nhà hóa học lý
thuyết Mendeleev đã chen vào tranh công và tuyên bố gali được phát hiện ra
dựa trên dự đoán của ông về eka- nhôm. Lecoq de Boisbaudran đáp gọn lỏn
rằng chính ông mới là người phát hiện. Mendeleev không đồng tình và họ
bắt đầu tranh luận về vấn đề này trên các tạp chí khoa học, hệt như một câu
chuyện dài kỳ mà mỗi nhân vật lại dẫn một chương. Chẳng bao lâu, cuộc
thảo luận trở nên gay gắt. Bực mình với Mendeleev, Lecoq de Boisbaudran
tuyên bố rằng một người Pháp ít được biết đến đã phát triển bảng tuần hoàn
trước và Mendeleev ăn cắp ý tưởng này – một tội lỗi khoa học chỉ đứng sau
giả mạo dữ liệu. (Mendeleev chưa bao giờ dễ chịu trong việc chia sẻ công
lao. Ngược lại, Meyer đã trích dẫn bảng tuần hoàn Mendeleev trong công
trình của mình vào những năm 1870, có thể khiến các thế hệ sau nghĩ rằng
công trình của Meyer là phái sinh.)