CHIẾC THÌA BIẾN MẤT - Trang 59

Về phần mình, Mendeleev đã xem xét số liệu của Lecoq de Boisbaudran về
gali và nói với nhà hóa học thực nghiệm này (dù không hề có bằng chứng)
rằng ông đã đo sai, bởi khối lượng riêng và nguyên tử khối của gali khác với
dự đoán của Mendeleev. Điều này thể hiện một sự ngạo mạn đến khó tin,
nhưng như triết gia-sử gia khoa học Eric Scerri đã nói: Mendeleev luôn luôn
“sẵn sàng bẻ cong tạo hóa để phù hợp với triết lý vĩ đại của mình”. Sự khác
biệt duy nhất giữa Mendeleev và kẻ điên là Mendeleev đã đúng: Lecoq de
Boisbaudran sớm rút lại số liệu của mình và công bố các kết quả chứng thực
dự đoán của Mendeleev. Theo Scerri: “Cộng đồng khoa học kinh ngạc vì
nhà hóa học lý thuyết Mendeleev lại thấy rõ các tính chất của một nguyên tố
mới hơn cả nhà hóa học thực nghiệm phát hiện ra nó”. Một giáo viên dạy
văn từng nói với tôi rằng thứ tạo nên một câu chuyện tuyệt vời chính là đoạn
cao trào “đầy ngạc nhiên mà lại tất yếu”, và bảng tuần hoàn Mendeleev là
một câu chuyện tuyệt vời. Tôi ngờ rằng khi phát hiện ra sơ đồ lớn của mình
về bảng tuần hoàn, chính Mendeleev cũng thấy kinh ngạc nhưng vẫn bị
thuyết phục bởi sự tinh tế, đơn giản không thể chối cãi ấy. Chẳng có gì đáng
ngạc nhiên khi đôi lúc ông say sưa với sức mạnh của nó.

Bỏ qua vấn đề về lòng tự tôn khoa học, cuộc tranh luận thực sự ở đây xoay
quanh lý thuyết và thực nghiệm. Phải chăng chính lý thuyết dẫn dắt các giác
quan của Lecoq de Boisbaudran nhìn thấy một nguyên tố mới? Hay chính
thực nghiệm cung cấp bằng chứng thực sự, còn lý thuyết của Mendeleev chỉ
tình cờ phù hợp? Hẳn nếu Mendeleev dự đoán về sự tồn tại của phô mai trên
Sao Hỏa trước khi Lecoq de Boisbaudran tìm thấy bằng chứng về gali trong
bảng tuần hoàn thì nhà khoa học người Pháp cũng phải rút lại số liệu của
mình và đưa ra kết quả hợp với những gì Mendeleev đã đoán. Dù Lecoq de
Boisbaudran phủ nhận việc từng nhìn thấy bảng tuần hoàn Mendeleev
nhưng có thể ông đã nghe về nó từ đâu đó, hoặc chính các bảng tuần hoàn đã
khuấy động cộng đồng khoa học và gián tiếp chỉ dẫn giới khoa học tìm kiếm
các nguyên tố mới. Như thiên tài Albert Einstein từng nói: “Chính lý thuyết
quyết định những gì chúng ta quan sát được”.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.